Multimedia Đọc Báo in

Quyền lợi của người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế

08:47, 18/12/2020

Từ năm 2015 trở về trước, 90% kinh phí dành cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam do các tổ chức quốc tế tài trợ; đến năm 2017 việc tài trợ này bị giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt việc điều trị cho bệnh nhân AIDS.

Để đảm bảo an sinh xã hội cho người có HIV/AIDS, hướng tới bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, Việt Nam đang dần dành ngân sách cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và hướng đến chi trả chăm sóc sức khỏe, điều trị ARV cho người nhiễm HIV qua BHYT.

Theo quy định hiện hành, trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm HIV, người nhiễm HIV là người nghèo, người dân tộc thiểu số... được BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh. Mức chi trả cho người cận nghèo, người đã nghỉ hưu là 95% và cho các đối tượng khác là 80%. Như vậy, người nhiễm HIV chỉ phải chi trả tối đa là 20% tiền chữa bệnh.

Theo thống kê của Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), tính đến ngày 30-9-2020 tại 3 cơ sở điều trị bệnh nhân nhiễm HIV trên toàn tỉnh có 621 bệnh nhân tham gia điều trị, trong đó 560 bệnh nhân đã có BHYT (chiếm tỷ lệ 90,1%), hiện còn 61 bệnh nhân chưa có BHYT (chiếm tỷ lệ gần 9,9%). Tại cơ sở điều trị Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, tỷ lệ bệnh nhân có BHYT chiếm 86,46% (377/436), trong đó 108 trường hợp được hưởng mức 100%, 19 trường hợp hưởng mức 95% và 250 trường hợp hưởng mức 80%. Đối với 2 cơ sở điều trị là Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột, tỷ lệ có BHYT lần lượt là: 100% (54/54) và 98,4% (129/131).

Bệnh nhân HIV đăng ký khám bệnh bằng bảo hiểm y tế.
Bệnh nhân HIV đăng ký khám bệnh bằng bảo hiểm y tế.

Người tham gia BHYT nhiễm HIV khi sử dụng các dịch vụ chăm sóc, điều trị liên quan đến HIV/AIDS được hưởng quyền lợi theo phạm vi quyền lợi, mức hưởng theo quy định của pháp luật về BHYT (trừ trường hợp đã được các nguồn tài chính hợp pháp khác chi trả), được Quỹ BHYT chi trả gồm: Thuốc kháng HIV (trừ trường hợp đã được nguồn tài chính hợp pháp khác chi trả); xét nghiệm HIV trong khám bệnh, chữa bệnh đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai và sinh con theo yêu cầu chuyên môn nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả; kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV; khám bệnh, xét nghiệm HIV; dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khác liên quan đến HIV/AIDS đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn trong khám, chữa bệnh; xét nghiệm HIV, điều trị bằng thuốc kháng HIV đối với người phơi nhiễm với HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro (trừ các trường hợp tai nạn rủi ro nghề nghiệp đã được ngân sách nhà nước chi trả); điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội.

Người nhiễm HIV có thẻ BHYT thực hiện việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16-11-2015 của Bộ Y tế quy định việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Trường hợp người bệnh có thẻ BHYT trong địa bàn tỉnh và đang điều trị thuốc kháng HIV tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh có khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu, nếu có nhu cầu thì được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tại cơ sở đó. Người bệnh đang điều trị HIV/AIDS nếu phát sinh bệnh khác mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có khả năng điều trị thì người bệnh được chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật theo quy định pháp luật.

Trường hợp người đang điều trị thuốc kháng HIV đi công tác có thời hạn, làm việc lưu động, học tập tại các địa phương khác có thời gian dài hơn thời gian cấp thuốc kháng HIV ngoại trú quy định hoặc người đang điều trị thuốc kháng HIV nhưng tạm trú tại địa phương khác thì người bệnh được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tương đương tuyến kỹ thuật ghi trên thẻ BHYT và có khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tương đương ghi trên thẻ BHYT không điều trị HIV/AIDS thì người bệnh được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở tuyến huyện có khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS hoặc chuyển tuyến chuyên môn theo quy định.

Trường hợp cơ sở y tế không làm được các xét nghiệm, dịch vụ y tế khác mà phải gửi người bệnh hoặc mẫu bệnh phẩm đến cơ sở đã được cấp thẩm quyền phê duyệt có đủ điều kiện để thực hiện các xét nghiệm, các dịch vụ kỹ thuật nêu trên, Quỹ BHYT sẽ thanh toán cho cơ sở y tế nơi gửi người bệnh hoặc bệnh phẩm theo giá dịch vụ kỹ thuật và phạm vi, mức hưởng BHYT đối với người có thẻ BHYT theo quy định; cơ sở y tế chuyển người bệnh hoặc mẫu bệnh phẩm có trách nhiệm thanh toán chi phí cho đơn vị thực hiện xét nghiệm, các dịch vụ kỹ thuật, sau đó tổng hợp vào chi phí khám bệnh, chữa bệnh của người bệnh để thanh toán với cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Nhiều người nhiễm HIV hiện nay băn khoăn, lo ngại về việc khi tham gia BHYT có thể bị lộ thông tin cá nhân. Tuy nhiên, điều này không gây ảnh hưởng vì việc bảo mật thông tin cá nhân của người bệnh nói chung, người nhiễm HIV nói riêng đã được quy định bởi Luật Khám, chữa bệnh và các quy định khác. Việc khám, chữa bệnh bằng BHYT không làm gia tăng kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV, mà còn giúp người nhiễm HIV hòa nhập cộng đồng.       

Nguyễn Công Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.