Multimedia Đọc Báo in

Phát hiện và can thiệp phục hồi chức năng sớm ở trẻ bại não

06:56, 31/01/2021

Y học hiện đại nhìn nhận bại não là một bệnh lý mạn tính, là sự khuyết tật của một phần nào đó của bộ não gây ảnh hưởng lớn đến các hành vi, tư thế, vận động, nhận thức, tư duy, giao tiếp thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Theo thống kê của Bộ Y tế, cứ 1.000 trẻ được sinh ra sẽ có 2 - 3 trẻ mắc bệnh. Tỷ lệ mắc bệnh ở bé trai cao hơn bé gái. Mặc dù căn bệnh này không gây nguy hiểm về tính mạng nhưng để lại những ảnh hưởng nặng nề liên quan đến sức khỏe, đời sống của người bệnh, gia đình và xã hội. Bại não được chia thành 5 thể gồm: bại não thể liệt cứng, bại não thể múa vờn hay loạn động, bại não thể thất điều, bại não thể nhẽo và thể phối hợp. Ở mỗi thể sẽ có những biểu hiện khác nhau, do một hoặc nhiều phần của não bộ có chức năng điều khiển cử động bị tổn thương, mỗi trẻ sẽ có một mức độ tổn thương khác nhau nên sẽ có phương pháp điều trị riêng biệt.

Trẻ bại não đang được điều trị phục hồi chức năng tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Ảnh: Quang Nhật
Trẻ bại não đang được điều trị phục hồi chức năng tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Ảnh: Quang Nhật

Ròng rã gần 2 năm nay, chị Phạm Thị Nhung (ở huyện Ea Kar) đều đặn cho con đến Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh để điều trị phục hồi chức năng. Con chị Nhung được gần 1 tuổi thì chị phát hiện thấy con có những biểu hiện bất thường, bác sĩ cho biết con bị chậm về hệ vận động. Khi cháu 2 tuổi mà vẫn chưa ngồi và đi được, chị lại đưa con đi khám thì được bác sĩ kết luận con bị bại não. Khi biết Bệnh viện Y học cổ truyền có tổ chức điều trị phục hồi chức năng cho trẻ bại não, chị đăng ký cho con điều trị. Gần 2 năm nay, không quản nắng, mưa, hằng ngày chị đều đặn cho con đến bệnh viện điều trị. Nhờ được điều trị phục hồi chức năng sớm, sức khỏe của cháu được cải thiện rõ rệt. Từ không biết ngồi, cổ rũ, lưng yếu, qua quá trình tập luyện phục hồi chức năng, hiện cháu đã đi được đoạn ngắn mà không cần mẹ dắt, nhận biết được màu sắc, bập bẹ gọi mẹ.

Cần chú ý phát hiện sớm trẻ bại não thông qua một số biểu hiện như: khi đẻ ra không khóc hoặc khóc yếu, tím tái; sau sinh thường mềm nhũn, không vận động, đầu rũ xuống, khó bế ẵm, tắm rửa, thay quần áo cho trẻ vì người cứng đờ, chậm biết giữ đầu cổ, chậm biết lẫy, ngồi, bò…; có khuyết điểm về sử dụng bàn tay trong cầm nắm và thực hiện các hoạt động; không nhận biết mẹ hoặc những người thân; chậm kỹ năng giao tiếp sớm và các biểu hiện khác như lắc mắt, sụp mí, giảm khả năng nhìn, nghe kém, méo miệng.

Con trai anh Phạm Thế Anh (trú huyện Buôn Đôn) bị sinh non ở Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh); sau đó khi cháu chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng 1 thì được bác sĩ cho biết cháu bị teo não kèm động kinh. Một tuổi mà cháu chỉ nằm im, không ngóc đầu lên được. Hằng ngày gia đình anh vẫn đều đặn đưa con đến điều trị phục hồi chức năng, được các bác sĩ áp dụng bài tập phục hồi rối loạn vận động, giảm co cứng… Thấy con tiến triển tốt nên gia đình anh rất hy vọng.

Hiện nay, Khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh) đang điều trị can thiệp sớm trẻ bại não cho 20 cháu có độ tuổi từ 1 - 6 tuổi. Các phương pháp can thiệp gồm: vận động trị liệu nhằm tạo thuận lợi cho trẻ ở các tư thế nếu trẻ chưa biết lật, lẫy, kiểm soát cổ, tập ngồi, đứng và đi; hoạt động trị liệu hướng dẫn kỹ năng cầm, nắm, xếp các đồ vật; ngôn ngữ trị liệu sẽ hướng dẫn phát âm những từ đơn giản và phân biệt màu sắc. Bên cạnh đó, các bác sĩ còn sử dụng các liệu pháp y học cổ truyền kết hợp điều trị thuốc giúp tăng cường hệ thần kinh, giảm bớt các nguy cơ về còi xương, suy dinh dưỡng, động kinh ở nhóm trẻ này. Mỗi em bé khi đến điều trị tại đây sẽ được thăm khám, đánh giá về khả năng vận động thô, tinh, cảm thụ, tư duy, ngôn ngữ để xác định vấn đề của trẻ để có kế hoạch can thiệp, chương trình luyện tập. Mỗi trẻ có một mục tiêu, phương pháp cụ thể, đánh giá sau mỗi liệu trình can thiệp. Đồng thời, trong quá trình tập luyện linh động cho trẻ tập theo nhóm để trẻ vừa tập, vừa được chơi với bạn bè, qua đó sớm hòa nhập với các bạn đồng trang lứa. Bệnh viện đã đầu tư trang thiết bị như giày chỉnh hình, cầu thang bộ, ghế tập ngồi, ghế tập đứng, khung tập đi, dụng cụ tập tay, tranh ảnh… để trẻ tập luyện.

Theo bác sĩ Ngô Thanh Tân, Phó Trưởng Khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh), khả năng phục hồi của trẻ bại não dù nặng hay nhẹ, ở bất kỳ thể nào đều phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm trẻ được can thiệp sớm hay muộn. Trường hợp tổn thương nhẹ, can thiệp sớm sẽ giúp trẻ phát triển thuận lợi, hạn chế bớt những khó khăn cho cuộc sống sau này. Nếu phát hiện và can thiệp muộn thì trẻ sẽ mất đi cơ hội vì ở trẻ đã hình thành phản xạ bệnh lý.

Võ Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.