Multimedia Đọc Báo in

Sàng lọc sớm bệnh lý tim mạch để tránh nguy cơ đột quỵ

09:28, 17/01/2021

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh lý tim mạch có tỷ lệ tử vong cao nhất trong số bệnh không lây nhiễm.

Tại Việt Nam, cứ 4 người trên 25 tuổi có ít nhất 1 người bị tăng huyết áp - nguyên nhân chính gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận... Thực trạng đáng báo động là trong 12 triệu người mắc tăng huyết áp hiện nay có gần 50% chưa được phát hiện và khoảng 80% có điều trị nhưng chưa đạt được hiệu quả.

Theo các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, khi một người mắc bất kỳ bệnh lý tim mạch nào khi còn trẻ tuổi như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch... thì đều ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung cũng như chất lượng sống hay hoạt động hằng ngày. Những bệnh lý tim mạch gây tử vong hoặc tàn phế chiếm tỷ lệ cao nhất là nhồi máu cơ tim, các bệnh động mạch vành và đột quỵ não. Các dấu hiệu có thể xuất hiện thoáng qua nên rất khó nhận biết. Do đó người bệnh thường hay bỏ qua, đến khi triệu chứng xảy ra thường xuyên hơn, gây khó chịu thì mới đến các cơ sở y tế để thăm khám. Khi đó bệnh đã chuyển sang giai đoạn phức tạp khiến việc điều trị trở nên khó khăn.

Bệnh nhân điều trị bệnh lý tim mạch  tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Đình Thi
Bệnh nhân điều trị bệnh lý tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Đình Thi
Bệnh lý tim mạch mặc dù rất nguy hiểm nhưng mỗi người hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu có lối sống khoa học, không hút thuốc lá, không uống rượu bia, hạn chế ăn nội tạng động vật, vận động thể thao hợp lý, tránh thừa cân béo phì.

Như trường hợp chị Phan Thị Hiên (36 tuổi, ở huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) nhập viện trong tình trạng khó thở, chân tay co rút. Qua thăm khám bác sĩ kết luận chị bị suy tim, gan nhiễm mỡ, suy giãn tĩnh mạch, nhồi máu cơ tim, hở van tim hai lá. Chị Hiên vốn có tiền sử bệnh tăng huyết áp, hay đánh trống ngực, hồi hộp mỗi khi suy nghĩ căng thẳng nhưng vì chủ quan cho rằng bản thân đang còn trẻ nên không quan tâm, bỏ qua các triệu chứng điển hình của bệnh; đến khi chị kiệt sức và ngất xỉu thì người nhà mới đưa tới bệnh viện thăm khám và điều trị. Hay như chị Nguyễn Thị Kim Thúy (29 tuổi, trú phường Thống Nhất, TX. Buôn Hồ) tình cờ phát hiện bệnh khi sinh đứa con đầu lòng được 2 tháng. Chị Thúy thường đau đầu chóng mặt, khó thở, đi lại khó khăn, ho ra máu, song chị cho rằng mình sinh nở nên thiếu máu do thiếu sắt, thiếu can xi nên bỏ qua các triệu chứng trên mà không biết bản thân đã mắc các bệnh lý khác liên quan đến tim mạch. Thời gian gần đây, sức khỏe của chị ngày càng suy yếu, vận động đi lại trên cầu thang khó khăn, cộng thêm thức đêm chăm con ốm nên chị bị ngất xỉu và được người thân đưa tới bệnh viện. Qua thăm khám, đo điện tim bác sĩ chẩn đoán chị bị suy tim độ 3, tim khó phục hồi.

Bác sĩ khuyến cáo, tất cả các bệnh lý tim mạch đều nguy hiểm và có nguy cơ tử vong cao nhưng đều có thể sàng lọc và tầm soát được. Để có trái tim khỏe, mỗi người cần khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc các yếu tố nguy cơ, nhất là những người lớn tuổi do các bệnh lý tim mạch đa số không có biểu hiện và thường diễn biến âm thầm. Mỗi người cần nhớ chỉ số huyết áp của mình cũng như số đo chiều cao cân nặng, tuổi... để xác định nguy cơ, sau đó mới có chỉ định khám sàng lọc kỹ, chuyên sâu hơn xem có bị các biến cố tim mạch nào chưa. Khi người bệnh có các biểu hiện bất thường như khó thở, đau ngực, thay đổi huyết áp, đánh trống ngực... - đây là những dấu hiệu cảnh báo bệnh lý cấp tính tim mạch nên cần đến cơ sở y tế để được khám sớm, xử trí kịp thời, không bỏ lỡ khung giờ vàng, tránh tình trạng để bệnh trở nặng gây khó khăn trong điều trị hay đến bệnh viện muộn gây những hậu quả đáng tiếc.

Liên Chi

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.