Multimedia Đọc Báo in

Xử trí phơi nhiễm HIV do tai nạn nghề nghiệp

14:07, 30/01/2021

Phơi nhiễm HIV do tai nạn nghề nghiệp thường xảy ra ở những người làm nghề y do bị kim đâm khi làm thủ thuật, tiêm truyền, lấy máu xét nghiệm, bị vết thương do dao mổ và các dụng cụ y tế sắc nhọn khác có dính máu hoặc dịch cơ thể của người bệnh gây tổn thương.

Ngoài ra, phơi nhiễm HIV do tai nạn nghề nghiệp cũng có thể xảy ra ở những người công tác trong một số ngành như công an, quân đội khi làm nhiệm vụ hỗ trợ, trấn áp tội phạm, bảo vệ an ninh...

Theo tổng hợp nghiên cứu về những trường hợp nhiễm HIV nghề nghiệp và nghi ngờ do nghề nghiệp cho thấy, tỷ lệ những người có thể bị nhiễm HIV nghề nghiệp là: y tá và kỹ thuật viên lâm sàng 39%, bác sĩ ngoại khoa và nha sĩ 11%, bác sĩ và sinh viên thực tập 11%. Nghiên cứu cũng cho thấy, tỷ lệ mắc HIV nghề nghiệp sau một lần tiếp xúc là: lây nhiễm do chọc kim vào tay, da là 0,31%, tỷ lệ khi dính máu hoặc dịch cơ thể của người nhiễm HIV lên da bị trầy xước là 0,003%. Còn thống kê của Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho thấy, từ năm 2016 đến 2020 có 74 trường hợp được điều trị phơi nhiễm HIV do tai nạn nghề nghiệp, trong đó có 3 bác sĩ; 12 kỹ thuật viên, điều dưỡng; 13 hộ lý; 25 công an và 21 người thuộc các đối tượng khác; tất cả đều được điều trị trong vòng 6 - 72 giờ đầu.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xét nghiệm cho bệnh nhân phơi nhiễm HIV.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xét nghiệm cho bệnh nhân phơi nhiễm HIV.

Thực tế, không phải trường hợp nào bị phơi nhiễm HIV cũng đồng nghĩa với việc sẽ bị nhiễm HIV. Điều này còn phụ thuộc vào từng hành vi cụ thể và mức độ nguy cơ của hành vi đó. Tỷ lệ này thay đổi khi tổn thương nông sâu do kim đâm và lệ thuộc vào số lượng HIV trong máu bệnh nhân.

Khi bị phơi nhiễm HIV hoặc nghi ngờ bị phơi nhiễm HIV do tai nạn nghề nghiệp, người bệnh phải lưu ý việc xử lý vết thương tại chỗ bằng cách rửa sạch ngay vết thương dưới vòi nước; nếu vết thương chảy máu nên để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, tuyệt đối không được nặn bóp vết thương, sau đó rửa kỹ vết thương bằng xà phòng và nước sạch. Nếu bị phơi nhiễm qua niêm mạc mắt, phải rửa sạch mắt bằng nước cất hoặc dung dịch muối NaCl 0,9% liên tục trong thời gian 5 phút. Khi bị phơi nhiễm qua mũi, miệng cũng phải rửa mũi hoặc súc miệng bằng nước cất hoặc dung dịch muối NaCl 0,9% nhiều lần.

Cùng với đó, phải báo cáo ngay cho người phụ trách biết và làm biên bản nêu rõ ngày, giờ, hoàn cảnh xảy ra; đánh giá vết thương, mức độ nguy cơ của tình trạng phơi nhiễm; lấy chữ ký xác nhận của người chứng kiến và chữ ký của người phụ trách (công việc này cần thực hiện ngay để phục vụ làm các chế độ sau này nếu cần thiết). Nên đánh giá nguy cơ phơi nhiễm HIV theo mức độ tổn thương và diện tích tiếp xúc; căn cứ trên mức độ tổn thương của da, độ sâu, vết thương có bị chảy máu hay không... để xác định tình trạng phơi nhiễm đó có nguy cơ hay không có nguy cơ giúp việc quyết định điều trị bằng thuốc ARV.

Việc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV nên thực hiện càng sớm càng tốt cho tất cả các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV, tốt nhất phải được tiến hành trong vòng từ 2 - 6 giờ sau khi bị phơi nhiễm, không nên điều trị dự phòng muộn sau 72 giờ. Theo quy định của Bộ Y tế hiện nay, phác đồ điều trị phải có ít nhất 3 loại thuốc ARV và điều trị dự phòng trong 28 ngày cho tất cả những trường hợp phơi nhiễm có nguy cơ cao. Lưu ý ngừng thuốc khi xác định nguồn phơi nhiễm âm tính với HIV. Cần theo dõi trong và sau điều trị như theo dõi, xử trí tác dụng phụ của thuốc ARV; thực hiện xét nghiệm lại HIV sau 3 tháng điều trị để đánh giá.

Nguyễn Công Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.