Multimedia Đọc Báo in

Rối loạn tâm thần ở người nhiễm HIV/AIDS

05:56, 26/02/2021

Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS) là giai đoạn cuối cùng của quá trình nhiễm HIV, vi rút tấn công và tiêu diệt dần các tế bào miễn dịch làm suy giảm miễn dịch của cơ thể, phát sinh các bệnh nhiễm khuẩn cơ hội, các tổn thương thần kinh - tâm thần, các khối u và dẫn đến tử vong.

Những biểu hiện nhiễm HIV/AIDS rất đa dạng liên quan đến nhiều chuyên khoa nhưng các biểu hiện về tâm thần rất quan trọng bởi nhiều khi bệnh nhân chết vì suy sụp tâm thần trước khi tử vong vì các biến chứng trầm trọng khác của bệnh. Các rối loạn tâm thần ở người nhiễm HIV/AIDS liên quan đến phản ứng tâm lý, là hậu quả của tổn thương thần kinh trung ương hoặc do rối loạn hoạt động của hệ thần kinh ở một số bệnh nhiễm trùng cơ hội.

Về mặt thần kinh - tâm thần thì AIDS là hậu quả của nhiễm HIV gây ra hàng loạt các hội chứng toàn thân và thần kinh - tâm thần. HIV xâm nhập vào cơ thể, qua hàng rào máu não tác động lên hệ thần kinh trung ương gây ra hội chứng thần kinh - tâm thần.

Những người biết mình bị nhiễm HIV do tình cờ phát hiện thường có các biểu hiện rối loạn tâm thần và hành vi sau: có cảm giác sốc tâm lý nặng nề dẫn đến những khủng hoảng tâm lý cấp như hoảng sợ, lo âu kinh hoàng; cảm thấy như hụt hẫng rơi xuống vực sâu, người lạnh toát mồ hôi, chân tay run rẩy, miệng khô đắng, ngực như bị đè ép, người muốn xỉu đi, mọi hy vọng tương lai bị sụp đổ hoàn toàn, cảm giác còn nặng nề hơn cả những người phát hiện mình bị ung thư vì còn phải chịu cả mặc cảm xã hội... Họ thường có hành vi bỏ trốn hay thu mình, tránh gặp người thân, bạn bè, lao vào dùng rượu, ma túy để tự hủy hoại hay để quên đi, có người rơi vào trạng thái trầm cảm tuyệt vọng, hối hận, tự kết tội đã gây ra hậu quả cho bản thân và gia đình. Với những người độc thân trẻ tuổi thì cho đây là một thảm họa tương lai bởi nghĩ rằng nghề nghiệp, việc kết hôn hoàn toàn sụp đổ. Còn đối với người có gia đình, ngoài lo sợ tuyệt vọng cho bản thân, họ còn cảm thấy tội lỗi lớn hơn vì không biết mình có lây sang cho vợ con không, nếu cả vợ con đều bị nhiễm thì thực sự là cú sốc lớn nên các đối tượng này thường có nguy cơ tự sát rất cao.

Cán bộ khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) tư vấn cho bệnh nhân xét nghiệm HIV.
Cán bộ khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) tư vấn cho bệnh nhân xét nghiệm HIV.

Trái lại, một số đối tượng khi biết mình bị nhiễm HIV thì rơi vào tuyệt vọng xen lẫn tức giận thù oán người đã gây ra cho mình và thù oán xã hội nên lại càng lao vào ăn chơi bừa bãi, không chỉ gây hại cho bản thân mà còn dễ gieo rắc bệnh tật cho người khác với tâm lý trả thù đời hoặc không còn gì để mất. Một số trường hợp sau khi biết mình bị nhiễm HIV thường rơi vào tình trạng sốc tâm thần với các biểu hiện loạn thần cấp như hoang tưởng, ảo giác, mất ngủ kéo dài, kèm theo những suy nghĩ ám ảnh dày vò triền miên, hay bị kích động, giận dữ la hét, có khi trầm cảm không nói, không ăn…

Với những người bị nhiễm HIV/AIDS mà không biết: Ở giai đoạn mới nhiễm, do HIV là vi rút ái tính thần kinh nên sau khi nhiễm, bệnh nhân có hiện tượng giả cúm: đau nhức toàn thân, mệt, sốt, đau đầu, đôi khi lú lẫn nhẹ, bệnh thường thoáng qua, xét nghiệm không thấy gì đặc biệt, ngay cả xét nghiệm HIV cũng âm tính vì ở giai đoạn cửa sổ. Đây là các đối tượng nguy hiểm dễ lây nhiễm cho người khác. Khi bệnh chuyển sang giai đoạn bán cấp (sau một thời gian dài, ngắn khác nhau tùy từng người), họ thường có các rối loạn tâm thần như: mệt mỏi, suy nhược, đau đầu, giảm trí nhớ, lẫn lộn hay quên, lơ đãng, cảm xúc thường không ổn định, dễ vui vẻ như trẻ con nhưng cũng dễ khóc lóc, có khi vô cảm, bất lực, mất quan tâm thích thú, có cảm giác như bị trầm cảm… Ngoài ra, bệnh nhân còn có các biểu hiện rối loạn thần kinh rất kín đáo như: run tay nhẹ, đi lại chậm, rối loạn thăng bằng... Các biểu hiện trên thường diễn ra từ từ, nhiều năm dễ bị chẩn đoán là suy nhược thần kinh, trầm cảm, điều trị ít kết quả.

Gia đình, người thân của người mắc HIV/AIDS cũng cần được tư vấn để hiểu hơn, thông cảm, chia sẻ giúp đỡ bởi lẽ trong bất kỳ hoàn cảnh nào, gia đình luôn là chỗ dựa tốt nhất cho bệnh nhân. Cộng đồng xã hội cũng cần nâng cao nhận thức, cảm thông chia sẻ, tránh kỳ thị bởi đó chính là liều thuốc tốt nhất cho bệnh nhân HIV/AIDS.

Khi chuyển sang giai đoạn rõ: Các biểu hiện trầm trọng hơn, bệnh nhân có thêm các rối loạn tâm thần nặng như hoang tưởng, ảo giác, mất trí nhớ, đặc biệt có rối loạn ý thức kiểu lú lẫn không nhận ra người thân, lẫn lộn ngày tháng… kèm theo các biểu hiện về thần kinh như đại tiểu tiện không tự chủ, tăng phản xạ gân xương, đau đầu, nôn… Ở giai đoạn này nếu chụp cắt lớp hay cộng hưởng từ sẽ thấy các tổn thương não rất rõ. Giai đoạn này có nghĩa bệnh đã chuyển sang giai đoạn AIDS với nhiều tổn thương biến chứng ở các cơ quan khác. Dù điều trị hay không điều trị, bệnh nhân sẽ chết trong bệnh cảnh nhiễm trùng cơ hội, ung thư, suy kiệt...

Người thân của người bị nhiễm HIV/AIDS cũng gặp phải các rối loạn tâm thần như lo âu, tuyệt vọng, trầm cảm… hoặc có thái độ bất lực buông xuôi, thù ghét, bỏ mặc, nhất là trường hợp trước đó bệnh nhân đã nghiện ma túy. Với một số người có quan hệ tình dục bên ngoài với các đối tượng có nguy cơ cao thường rơi vào trạng thái ám ảnh nghi bệnh, ám ảnh tội lỗi day dứt với người yêu, vợ con…và rất dễ bị trầm cảm lo âu mất ngủ gây nên những chấn thương tâm lý kéo dài… cho dù họ được xét nghiệm rất nhiều lần với kết quả âm tính.

Tại phòng Tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV, khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), nhiều bệnh nhân sau khi nhận kết quả xét nghiệm của mình thường có các biểu hiện như ngất xỉu, la hét hoảng loạn thường xuyên; tuy nhiên, sau khi được tư vấn viên giải thích và hướng dẫn thì bệnh nhân đã tích cực tham gia điều trị và trở lại trạng thái ổn định sau một thời gian. Do vậy, khi nghi ngờ nhiễm HIV/AIDS cần đến cơ quan chuyên trách về phòng, chống HIV/AIDS nhằm phát hiện sớm để được tư vấn kịp thời, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng, phòng tránh tự sát và các hành vi nguy hiểm khác cho bản thân và người xung quanh. Ngoài sự tư vấn của nhân viên y tế, bệnh nhân cần được sự động viên hỗ trợ của người cùng cảnh.                                                  

Nguyễn Công Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.