Multimedia Đọc Báo in

Tuân thủ điều trị để chữa khỏi bệnh lao

08:57, 28/03/2021

Việt Nam hiện đứng thứ 12 trong số 22 nước có tình hình dịch tễ lao cao nhất, xếp thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao nhất thế giới. Tuy vậy, bệnh lao hiện nay không còn là chứng bệnh nan y, bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm và tuân thủ liệu trình điều trị.

Lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn gây ra. Bệnh lây lan do vi khuẩn lao phát tán ra ngoài khi người mắc lao phổi ho, nói, hắt hơi, khạc nhổ mà vô tình người tiếp xúc gần đó có thể bị hít vào và gây bệnh tại phổi. Từ phổi, vi khuẩn lao có thể qua đường máu hay bạch huyết đến các tạng khác trong cơ thể và gây bệnh tại đó.

Theo các bác sĩ, triệu chứng bệnh lao phổi không khó nhận biết, tuy nhiên rất nhiều người bệnh không chú ý phát hiện và điều trị sớm, đến khi bệnh diễn biến nặng mới đi khám. Trong các thể lao, có đến 85% người mắc lao phổi, còn lại 15% là mắc các bệnh lao ngoài phổi như: lao xương khớp, lao màng não, lao màng phổi, lao thận… Lao phổi có triệu chứng chung là ho, ho ra máu  kéo dài trên 2 tuần uống thuốc kháng sinh không hết; khạc đờm; sốt nhẹ về chiều khoảng 37,5 - 38 độ C (nếu bị bội nhiễm mới sốt cao hơn); sút cân kèm theo mệt mỏi… Bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao đối với các trường hợp như: người mắc bệnh HIV/AIDS, người đang hóa trị, xạ trị ung thư, trẻ nhỏ hoặc người già…

Bệnh nhân lao điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh. Ảnh: Đình Thi
Bệnh nhân lao điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh. Ảnh: Đình Thi

 Chị H.T.V. (40 tuổi, trú huyện Krông Ana) cho biết, cách đây khoảng 2 tháng, chị hay bị ho, mệt mỏi. Tưởng bệnh cảm cúm thông thường nên chị V. tự mua thuốc về uống song cơn ho vẫn kéo dài không hết. Chị đến Trung tâm Y tế huyện Krông Ana khám bệnh thì được bác sĩ giới thiệu đi tầm soát lao tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh và kết quả cho thấy chị V. bị lao phổi. “Biết mình bị bệnh lao tôi rất lo lắng. Tuy nhiên, bác sĩ tư vấn nếu điều trị đúng phác đồ thì bệnh sẽ khỏi nên tôi cũng an tâm hơn. Sau 1 tháng điều trị, cơn ho của tôi đã giảm nhiều. Hiện tại, tôi vẫn điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ để nhanh khỏi bệnh”, chị V. chia sẻ.

Bác sĩ Rmah Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh cho biết, bệnh lao có thể chữa khỏi nếu người mắc được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Để khỏi bệnh, quan trọng nhất là việc điều trị phải tuân thủ 4 nguyên tắc: phải phối hợp các loại thuốc chống lao (mỗi loại thuốc chống lao có tác dụng khác nhau trên vi khuẩn lao); phải dùng thuốc đúng liều (nếu dùng không đúng liều, dùng liều thấp sẽ không hiệu quả và dễ tạo ra chủng vi khuẩn lao kháng thuốc); phải dùng thuốc đều đặn và phải dùng thuốc đủ thời gian (theo 2 giai đoạn: tấn công và duy trì).

Công tác điều trị bệnh lao hiện cũng gặp không ít khó khăn mà nguyên nhân chính là do người bệnh không tuân thủ điều trị, một số loại thuốc gây tác dụng phụ như: mệt mỏi khiến người bệnh bỏ thuốc, dùng thuốc không đúng quy định, uống thuốc không đúng liều. Ngoài ra, việc bệnh nhân uống rượu bia, hút thuốc lá cũng sẽ làm giảm tác dụng của thuốc... dẫn tới lao kháng thuốc. Lao kháng thuốc và lao siêu kháng thuốc là tình trạng nguy hiểm với cộng đồng bởi việc điều trị sẽ cực kỳ khó khăn và tốn kém. Vì vậy, đối với người mắc bệnh lao thông thường (chưa phải kháng thuốc), cần tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong quá trình điều trị, có thể gặp một số yếu tố bất lợi do thuốc gây nên như: dị ứng, ảnh hưởng tới chức năng gan, thận, thị lực, thính lực, xương khớp..., người bệnh cần gặp bác sĩ để được hướng dẫn điều trị phối hợp kịp thời.

Để phòng chống bệnh lao, biện pháp hữu hiệu nhất là cho trẻ sơ sinh đến các cơ sở y tế tiêm vắc xin phòng chống lao (trẻ được tiêm phòng lao ngay tháng đầu sau sinh trong chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai ở tất cả các xã, phường, thị trấn). Đồng thời, thực hiện lối sống lành mạnh như: ăn uống hợp lý, ngủ đủ, tập thể dục đều đặn và tránh xa các chất gây nghiện như ma túy, rượu bia, thuốc lá… Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc và khám sức khỏe định kỳ là điều cần thiết để phòng bệnh lao.

Đối với những người đã nhiễm lao cần thực hiện các biện pháp tránh lây cho người xung quanh như: nghỉ làm hoặc nghỉ học và ngủ riêng trong vài tuần đầu điều trị; che miệng, đeo khẩu trang khi ra ngoài; sử dụng miếng vải che miệng khi cười, nói, ho, hắt hơi, sau đó để miếng vải trong túi, buộc kín và vứt vào thùng rác. Đặc biệt, người bệnh cần phải tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.

Võ Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.