Multimedia Đọc Báo in

Điều trị liệt mặt ngoại biên bằng phương pháp y học cổ truyền

18:24, 10/04/2021

Dây thần kinh mặt (dây số VII) là dây thần kinh chi phối vận động cơ mặt và vùng cổ, thực hiện các động tác nhăn trán, nhắm mắt, hỉnh mũi, cười, huýt gió, phồng má...

Ngoài ra, dây thần kinh VII còn chi phối cơ vùng tai giữa liên quan đến bộ phận tiếp nhận âm thanh và đảm nhiệm cảm nhận vị giác ở 2/3 trước lưỡi, chủ yếu là vị mặn và ngọt. Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên là tình trạng mất vận động hoàn toàn hay một phần các cơ của nửa mặt. Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng lại gây biến dạng khuôn mặt, ảnh hưởng đến khả năng lao động, giao tiếp hằng ngày, khó biểu hiện cảm xúc ở mặt, khó khăn trong ăn uống và quan trọng là ảnh hưởng thẩm mỹ khi giao tiếp của người bệnh.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thúy, Trưởng Khoa Châm cứu - Dưỡng sinh (Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh), liệt mặt ngoại biên là bệnh lý tổn thương đường dẫn truyền ngoại biên của dây thần kinh VII. Nguyên nhân nguyên phát của bệnh là do mạch máu nuôi của dây thần kinh bị co thắt gây thiếu máu cục bộ, phù, chèn ép dây thần kinh. Các trường hợp liệt tự phát thường tiến triển cấp tính có liên quan đến yếu tố lạnh. Nguyên nhân thứ phát là do bệnh nhân nhiễm siêu vi do bệnh Zona, bị u chèn ép… Bệnh liệt mặt, méo miệng có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, từ trẻ nhỏ đến thanh niên, người già. Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện khá đột ngột sau một đêm ngủ dậy và không có dấu hiệu báo trước. Khi mắc bệnh, người bệnh sẽ có một số biểu hiện của bệnh như: hai bên mặt mất cân đối, nửa mặt bên liệt bất động, mất nếp nhăn trán. Mắt nhắm không kín, lông mày sụp xuống, góc mép miệng bị sệ xuống. Bệnh nhân sẽ bị chảy dãi hoặc nước một góc miệng, người bệnh không làm được các động tác: phồng má, cười, chu môi, hỉnh mũi, nhăn trán... Đối tượng dễ mắc bệnh nhất là những người bị suy giảm miễn dịch; người có thể trạng yếu; phụ nữ có thai; người ít luyện tập thể dục thể thao, ít tiếp xúc với môi trường bên ngoài; người hay thức khuya khiến cơ thể luôn mệt mỏi; những người hay uống bia rượu, thường đi sớm về khuya dễ bị nhiễm gió lạnh.

Phương pháp cứu ngải  được  thực hiện  để điều trị liệt mặt ngoại biên.   Ảnh:  Đình Thi
Phương pháp cứu ngải được thực hiện để điều trị liệt mặt ngoại biên. Ảnh: Đình Thi

Đối với các bệnh nhân bị liệt mặt ngoại biên, khi điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền, bệnh nhân sẽ được châm cứu, cứu ngải và xoa bóp, bấm huyệt. Khi châm cứu, bác sĩ sẽ dùng kim tác động vào các huyệt tại chỗ và các huyệt đặc hiệu như huyệt tình minh, toản trúc, ngư yêu, dương bạch, nghinh hương, địa thương… Đối với phương pháp cứu ngải, bác sĩ sẽ dùng điếu ngải cứu hơ trực tiếp lên các huyệt vùng mặt, đưa điếu ngải cách da mặt 1 - 3 cm, hơ trên huyệt đạo người bệnh, sức nóng của ngải cứu tác động vào các huyệt trên trong thời gian lưu kim 15 phút. Cứu ấm các huyệt trên hai bên giúp thúc đẩy lưu thông mạch máu, giảm đau thần kinh, tiêu viêm. Phương pháp xoa bóp, bấm huyệt rất hiệu quả đối với người bệnh nhưng với điều kiện bệnh nhân phải được bác sĩ thăm khám kỹ càng, xác định chính xác nhóm cơ bị yếu, cơ nào bị liệt và mức độ yếu, liệt của cơ đó, qua đó có thủ thuật phù hợp cho từng cơ, nhóm cơ. Để đạt hiệu quả điều trị, người bệnh cần tuân theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý xoa bóp, bấm huyệt hay điều trị các phương pháp khác ảnh hưởng đến tiến độ hồi phục và sức khỏe.

Nếu bệnh nhân phát hiện bệnh sớm trong tuần đầu tiên và được điều trị kịp thời, thời gian điều trị khoảng từ 3 - 4 tuần, mức độ khỏi bệnh là trên 90%. Trường hợp điều trị muộn hoặc không được điều trị đúng cách có thể để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến thẩm mỹ, co kéo nửa mặt, mắt nhắm không kín, ăn uống rơi vãi, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và giao tiếp của người bệnh. Nguy hiểm hơn là bệnh nhân có thể bị viêm loét giác mạc do mắt không nhắm được, gây khô mắt, nhiễm trùng giác mạc dẫn đến viêm, loét giác mạc.

Để không bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên, mọi người cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng cách tập thể dục thể thao thường xuyên; ăn đủ dưỡng chất, tăng cường ăn rau xanh, trái cây chín, uống nước cam, nước chanh hoặc bổ sung vitamin C tổng hợp. Khi đi ra ngoài, nên đeo khẩu trang giữ ấm trán, đầu, mặt, cổ để tránh tiếp xúc trực tiếp với gió lạnh. Vào mùa nóng, khi ngủ không nên để quạt trực tiếp vào mặt; khi thức dậy, hãy ngồi lại giường một lúc trước khi ra ngoài và tuyệt đối không nên tắm khuya vì cơ thể rất dễ nhiễm lạnh.

“Cần lưu ý rằng bệnh không chỉ xảy ra vào mùa lạnh, mà ngay cả những ngày nắng nóng, khi chúng ta nằm điều hòa, quạt để luồng gió lạnh thổi trực tiếp vào vùng mặt, nhất là sau gáy sẽ rất dễ dẫn đến liệt mặt ngoại biên. Để phát hiện sớm nguyên nhân gây bệnh, loại trừ những nguyên nhân thứ phát nguy hiểm như u chèn ép, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được điều trị tích cực, có phương pháp phục hồi vận động cơ vùng mặt”, bác sĩ Nguyễn Thị Thúy, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh khuyến cáo.

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.