Multimedia Đọc Báo in

Để kích hoạt tốt hơn vai trò của kinh tế tư nhân

09:18, 06/05/2019

Với sự tham dự của gần 50 Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 3.000 chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì, được tổ chức trong hai ngày 2 và 3-5 là dịp để các doanh nhân tư nhân kết nối và chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất – kinh doanh.

Những hội thảo chuyên đề về du lịch, kinh tế số, vốn - tài chính, nông nghiệp, khởi nghiệp, cùng nội dung đối thoại, bàn thảo cởi mở về chính sách công - tư đã cho thấy hứng khởi, quyết tâm của Chính phủ kích hoạt tốt hơn nữa vai trò của khu vực kinh tế tư nhân.

Sau khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, 2 năm qua khu vực kinh tế này đã cho thấy sự khởi sắc, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên. Kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế với các con số khá ấn tượng như: đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và một số đại biểu trao đổi với các doanh nghiệp tại Diễn đàn.    Ảnh: chinhphu.vn
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và một số đại biểu trao đổi với các doanh nghiệp tại Diễn đàn. Ảnh: chinhphu.vn
 

“Một khu vực tư nhân lớn mạnh, bền vững, bên cạnh khu vực doanh nghiệp Nhà nước hiệu quả hơn, khu vực kinh tế hợp tác xã năng động hơn sẽ tạo ra một tương lai thịnh vượng, bền vững hơn cho nền kinh tế Việt Nam”.

 
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Tuy nhiên tại diễn đàn, các đại biểu đều chung đánh giá là kết quả có được vẫn còn thấp so với mức tiềm năng. Những điểm nghẽn, nút thắt cản đường lớn lên của kinh tế tư nhân đã được đưa ra xem xét, đặt dấu hỏi ở các nhóm vấn đề như: Làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam đa phần có quy mô còn nhỏ, có thể vươn ra cạnh tranh quốc tế, có thương hiệu toàn cầu? Làm thế nào để hàng triệu hộ kinh doanh cá thể có thể mở rộng quy mô, chuyển sang mô hình doanh nghiệp nhằm phát huy lợi thế, tạo nhiều của cải hơn cho bản thân mình và cho cả xã hội? Làm sao có được đột phá thực sự ở các điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh khi thực tế là thể chế pháp luật tuy đã có nhiều cải tiến nhưng đôi khi thể chế chính sách còn chưa theo kịp, chưa thực sự kiến tạo cho các mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, công nghiệp chế tạo, nông nghiệp hữu cơ…

Trả lời câu hỏi của cộng đồng doanh nghiệp về câu chuyện quyết sách để kích hoạt tốt hơn vai trò của kinh tế tư nhân thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ tiếp tục tạo điều kiện, kiến tạo không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn. Những phân tích của người đứng đầu Chính phủ được gói ghém với các từ khóa: “tạo bình đẳng” trong phát triển, được “bảo vệ”, “khích lệ” và “trao cơ hội”. Cụ thể, về “tạo bình đẳng”, trước hết là kinh tế tư nhân bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trong cạnh tranh, phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế khác, nhất là tiếp cận nguồn lực.

Về từ khóa được “bảo vệ”, Thủ tướng nêu rõ là được bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp theo Hiến pháp, pháp luật. Giảm sự chồng chéo, tầng lớp trong thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tạo môi trường thông thoáng cho kinh tế tư nhân. Nội hàm của được “khích lệ” là kinh tế tư nhân được Nhà nước và xã hội tôn vinh hơn nữa, nhất là các doanh nghiệp làm ăn chân chính, có trách nhiệm xã hội. Ngược lại, cần lên án, đấu tranh đối với các doanh nghiệp làm ăn chụp giật, vi phạm đạo đức kinh doanh, vi phạm pháp luật. Còn “trao cơ hội” là tạo cơ hội cho kinh tế tư nhân tiếp cận nguồn lực, công nghệ, thị trường, cắt giảm chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm.

Việc đẩy mạnh cổ phần hóa, chống độc quyền cũng là mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân phát triển bình đẳng. Chính phủ đã phê duyệt Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, trong đó, thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia với những cơ chế thông thoáng nhất. Năm 2019, Chính phủ sẽ phê duyệt Đề án chuyển đổi số quốc gia để tạo điều kiện cho khởi nghiệp thành công.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.