Multimedia Đọc Báo in

Thần tượng giữa đời thường

09:55, 06/06/2021

Những ngày qua, cả nước lại phải gồng mình chống chọi với sự tấn công khốc liệt của đại dịch COVID-19. Tại Việt Nam, đây là lần thứ tư dịch bệnh nguy hiểm này bùng phát và số ca bệnh tăng cao chóng mặt so với những lần trước.

Thông tin về sự lây lan khủng khiếp của dịch COVID-19 và cuộc chiến cam go chống lại căn bệnh lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử loài người đã tràn ngập trên các trang báo và mạng xã hội.

Với ước nguyện góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và sự bình yên của cộng đồng, nhiều y bác sĩ đã tình nguyện lên đường để chi viện cho những người thầy thuốc đang căng mình đến kiệt sức ở những vùng tâm dịch như Bắc Giang, Bắc Ninh.

Nhiều hình ảnh khó quên từ vùng dịch được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng hoặc lan truyền trên mạng xã hội đã làm lay động hàng triệu con tim. Biết bao câu chuyện cảm động về các y bác sĩ, nhân viên y tế đã hy sinh lợi ích hạnh phúc riêng tư, thầm lặng làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch.

Những “thiên thần áo trắng” ấy đã bị bỏng rộp cả thân mình khi suốt ngày phải mặc bộ đồ bảo hộ che kín ngột ngạt; liên tục lấy mẫu xét nghiệm xuyên đêm từ ngày này sang ngày khác đến lả người; hoặc chạy đua với thời gian để cứu chữa, giành lại sự sống cho những ca bệnh nặng đang ở giữa lằn ranh sinh tử!

Cũng như các đợt chống dịch trước, có những nữ bác sĩ đành hoãn ngày cưới hoặc phải xa đứa con thơ còn đang bú mẹ. Thậm chí có người phải nén nỗi đau vào lòng khi không thể về chịu tang cha vì đang ở trong bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Tất cả họ đã chấp nhận mọi vất vả, hiểm nguy bởi vì khi dấn thân vào nghề y, những người thầy thuốc đều ghi nhớ Lời thề Hippocrates để hiểu rằng: không gì quý hơn sinh mạng con người!

Người viết bài này đã rơi nước mắt khi chứng kiến hình ảnh một cô bé thơ dại òa khóc nức nở khi nhìn thấy mẹ trên truyền hình. Người mẹ là bác sĩ quân y ấy đã gác lại chuyện vướng bận gia đình và tình mẫu tử thiêng liêng để vào tâm dịch Bắc Giang “chia lửa” với các đồng nghiệp. Những ngày cùng bao thầy thuốc khác thực hiện sứ mệnh cao cả là cứu người trong thời điểm nguy nan, chị đã từng nhiều đêm khóc thầm vì nhớ thương cô con gái bé bỏng đang khát sữa và hỏi tìm mẹ từng ngày!

Bé gái 20 tháng tuổi òa khóc khi thấy mẹ là chị Nguyễn Thị Hạnh (SN 1993) trên truyền hình. Chị Hạnh là bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội), được điều động vào hỗ trợ tâm dịch Bắc Giang. (Nguồn Internet)
Bé gái 20 tháng tuổi òa khóc khi thấy mẹ là chị Nguyễn Thị Hạnh (SN 1993) trên truyền hình. Chị Hạnh là bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội), được điều động vào hỗ trợ tâm dịch Bắc Giang. (Nguồn Internet)

Thần tượng không đâu xa. Chẳng cần đi tìm thần tượng ở một phương trời xa lạ hay trong thế giới phù hoa.

Những người đang khoác trên mình chiếc áo blouse trắng ngày đêm đối mặt với nguy cơ lây nhiễm căn bệnh chết người là những “lá chắn sống” khi dồn hết tâm trí, sức lực để ngăn chặn dịch bệnh, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của cộng đồng.

Họ chính là những người hùng giữa đời thường hôm nay, đã trở thành thần tượng trong niềm cảm phục, ngợi ca của triệu triệu người dân nước Việt mà không mỹ từ nào diễn tả hết được.

Hơn cả vạn lời tri ân, mọi người sẽ luôn khắc nhớ sự cống hiến, hy sinh cao đẹp của đội ngũ những người thầy thuốc trên khắp mọi miền của dải đất hình chữ S đang lao mình vào cuộc chiến chống “kẻ thù giấu mặt” COVID-19 với tâm nguyện quyết đẩy lùi đại dịch, để sớm đem lại sự bình yên cho cộng đồng, đất nước.

Quang Ánh


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.