Multimedia Đọc Báo in

Cảnh báo tình trạng trẻ em đi lao động ngoài tỉnh sau Tết

12:55, 03/03/2018

Sáng 2-3, ông Hồ Minh Tuy, Trưởng Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Krông Năng cho biết, ngày 21-2 (mùng 6 Tết) có 5 trẻ em ở thôn Giang Đông (xã Ea Đăh) đi lao động ở thành phố Hồ Chí Minh.

Đó là các em: Vàng Thị Sông (SN 2006), Vàng Thị Mái (SN 2005), H’A Giang (SN 2003), H’Thị La (SN 2003) và  Phùng Thị Dúa  (SN 2004). Cả 5 em đều là người dân tộc Mông.

Sau khi nắm thông tin, Phòng LĐ-TB&XH huyện Krông Năng đã cử cán bộ đến thôn Giang Đông để gặp gỡ gia đình các em và tìm hiểu tình hình thì được biết, sau Tết Mậu Tuất có hai người phụ nữ tên là Thảo và Quyên (trú ở km 68 huyện Ea Kar) đã đến các gia đình ở thôn Giang Đông  vận động cho con em vào TP. Hồ Chí Minh làm việc. Phụ huynh của 5 em trên đều đồng ý cho con đi lao động ngoài tỉnh.

 Cán bộ địa phương đến nhà một trong 5 trẻ em đi lao động ngoài tỉnh nắm bắt tình hình. Ảnh do Sở LĐ-TB&XH cung cấp
Cán bộ địa phương đến một nhà một gia đình ở thôn Giang Đông (xã Ea Đăh) có trẻ em đi lao động ngoài tỉnh để nắm bắt tình hình. (Ảnh do Sở LĐ-TB&XH cung cấp).

Qua liên lạc của bố mẹ em H’Thị La với con, thì được biết, cả 5 em đang học việc tại một cơ sở may công nghiệp tại quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh, với mức lương mỗi tháng là 2 triệu đồng/em. Em này cũng cho biết, cứ vận động được một trẻ em đi lao động ngoài tỉnh thì Thảo và Quyên được cơ sở may trả cho 500.000 đồng.

Ông Tuy cho biết thêm, qua công tác tuyên truyền, vận động đến nay đã có 1 em trong số 5 trẻ em đi lao động sớm trở về địa phương. Hiện nay, Phòng LĐ-TBXH huyện đang phối hợp với chính quyền địa phương các cấp của  xã Ea Đăh để vận động các em trở về.

Trao đổi với phóng viên Báo Đắk Lắk về tình hình trẻ em lao động ngoài tỉnh sáng 2-3, đại diện Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH) cho biết, đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 205 trẻ em lao động ngoài tỉnh, chủ yếu ở các huyện Krông Bông, Lắk, Krông Pắc, Cư Kuin, Ea Kar và Cư M’gar. Như vậy, huyện Krông Năng không phải là địa phương "nóng” về tình trạng trẻ em lao động ngoài tỉnh.  Tuy nhiên, do các địa phương trên thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, nên các “cò"  lao động chuyển sang các địa phương khác trong tỉnh.

Sau Tết Nguyên đán, các đối tượng “cò" lao động thường về các địa phương vùng sâu, vùng xa trong tỉnh dụ dỗ trẻ em đi lao động ngoài tỉnh. Vì  vậy, chính quyền địa phương các cấp, các đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền; nắm bắt tình hình; đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp "cò lao động" để phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em ra ngoài tỉnh lao động.

Nguyên Hoa

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.