Multimedia Đọc Báo in

Điểm tựa của người dân vùng lũ

08:35, 04/12/2020

Nhận được tin báo tại các thôn 9, 10, 11, xã Cư San (huyện M’Drắk) có hàng trăm hộ dân đang bị đe dọa bởi nước lũ dâng cao, đêm 30-11, mặc mưa to, gió rét, đường sá sạt lở, ngập sâu, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, bộ đội, công an, dân quân và các lực lượng chức năng huyện M’Drắk đã kịp thời có mặt, triển khai lực lượng, phương tiện khẩn trương sơ tán người dân đến nơi tránh trú an toàn.

Sáng 3-12, tuy lượng mưa đã giảm song nhiều khu vực trên địa bàn huyện M’Drắk nước vẫn ngập sâu khiến việc đi lại của người dân gặp không ít khó khăn. Tại km 53+400 Quốc lộ 26, hàng trăm phương tiện bị ùn ứ, buộc phải quay đầu do tuyến đường huyết mạch nối liền hai tỉnh Đắk Lắk - Khánh Hòa bị chia cắt.

Vừa trở về sau chuyến đi cứu trợ xuyên đêm,Thượng tá Nguyễn Ngọc Tênh, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện M’Drắk cho hay: “Mưa to suốt nhiều ngày liên tục khiến mực nước hồ Krông Pắc thượng dâng cao kỷ lục. Chỉ trong tích tắc, 94 hộ dân, chủ yếu là đồng bào người Mông ở xã Cư San đã bị bao vây, cô lập trong biển nước. Để tiếp cận hiện trường, lực lượng chức năng phải đi vòng qua huyện Ea Kar, sau đó dùng ca nô, xuồng máy vào hỗ trợ, đưa bà con đi sơ tán. Do lo lắng cho đàn vật nuôi trị giá hàng chục triệu đồng, ban đầu có một số hộ dân còn lưỡng lự không muốn đi sơ tán, chúng tôi phải vận động, thuyết phục mãi bà con mới chịu nghe. Sáng nay, khi nước vừa rút, bà con lại rủ nhau về từ sớm, khiến nguy cơ mất an toàn có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Bộ đội, dân quân vừa tích cực hỗ trợ người dân dọn dẹp, thống kê hậu quả mưa lũ, vừa tổ chức chốt chặn tại các khu vực ngập sâu, sẵn sàng đưa lực lượng, phương tiện hỗ trợ bà con khi có tình huống xấu xảy ra”.

Bộ đội, dân quân huyện M'Drắk tiếp tế lương thực, thực phẩm cho người dân vùng lũ Cư San.   Ảnh: Nhất Vũ
Bộ đội, dân quân huyện M'Drắk tiếp tế lương thực, thực phẩm cho người dân vùng lũ Cư San. Ảnh: Nhất Vũ

Là một trong những người trực tiếp điều khiển ca nô đưa gần 3 tấn gạo cùng hàng trăm thùng mì tôm, nước uống tiếp tế cho các hộ dân trong lòng hồ Krông Pắc thượng, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Y Blim Ayun, nhân viên quân lực Ban CHQS huyện M'Drắk kể: “Con đường đất từ bãi đậu xe xuống bến thuyền dài khoảng 100 m, bình thường đã rất khó đi, nay do mưa lũ càng trở nên nhão nhoét và trơn trượt. Cả ngày và đêm qua, chúng tôi phải lập “băng chuyền sống”, đứng chuyền tay nhau, đưa hàng từ trên xe tải xuống mép hồ. Nhờ hoa tiêu là các cán bộ thôn và một số người dân thông thạo địa bàn, việc tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bà con diễn ra khá thuận lợi. Tuy nhiên do khối lượng hàng hóa lớn nên các lực lượng chức năng phải làm việc rất vất vả, cực nhọc. Lái ca nô mùa lũ, nếu không thạo đường và vững tay, rất dễ va phải gốc cây, cọc ngầm nằm chìm dưới nước, gây hư hỏng phương tiện, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Quyết tâm không để ai phải chịu cảnh đói rét vì mưa lũ, các cán bộ, chiến sĩ luôn động viên nhau làm việc hết mình. Giữa mênh mông biển nước, nhìn bà con vui mừng đón nhận những thùng quà tuy giản dị nhưng chan chứa nghĩa tình, trách nhiệm, bao mệt mỏi trong tôi dường như tan biến cả”.

Đêm 30-11, các cán bộ, chiến sĩ còn vượt lũ đưa một sản phụ đi sinh. Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Hoàng Văn Mẫn, nhân viên quân y và Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Vũ Xuân Đoái, nhân viên trinh sát nhớ lại: “Khoảng 23 giờ đêm ngày 30-11, khi đang điều khiển ca nô chở khoảng 6 - 7 người dân thuộc thôn 10, xã Cư San ra khu sơ tán, chúng tôi bỗng nghe thấy những tiếng gọi thất thanh vọng ra từ một căn nhà gỗ nhỏ đang bị ngập sâu. Hóa ra, có một phụ nữ người Mông đang chuyển dạ, bụng đau dữ dội nhưng gia đình chưa biết phải làm sao. Trải vội tấm chăn mỏng, chúng tôi đặt sản phụ lên thuyền, cố gắng che mưa, chắn gió rồi tăng tốc tiến ra khu đường lớn, nhờ một số người dân đưa chị đi bệnh viện. Hôm qua, nghe bác trưởng thôn thông báo, chị đã vượt cạn thành công, em bé rất kháu khỉnh và bụ bẫm, ai cũng mừng cho gia đình chị”.

Bộ đội, dân quân hỗ trợ người dân kê đặt tài sản, thóc lúa lên cao tránh lũ.   Ảnh. Nhất Vũ
Bộ đội, dân quân hỗ trợ người dân kê đặt tài sản, thóc lúa lên cao tránh lũ. Ảnh. Nhất Vũ

Mưa lũ qua đi, tình người ở lại, hình ảnh những người lính bộ đội Cụ Hồ xả thân trong lũ dữ cứu người, tiếp tế lương thực thực phẩm, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con đã để lại tình cảm, dấu ấn đậm nét đối với cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây. Chỉ vào những vệt nước mờ mờ in trên khung cửa sổ, anh Giàng Seo Nhà (thôn 9, xã Cư San) cảm kích: “Sống giữa lòng hồ, vốn đã quá quen với cảnh mưa lũ, song đây là lần đầu tiên tôi thấy nước dâng cao như vậy. Giữa đêm tối, may nhờ các anh bộ đội, công an, dân quân hỗ trợ kê đặt đồ đạc, tài sản, thóc lúa lên cao và đưa bà con đi sơ tán nên cả làng vẫn được bình an”. Nhắc đến hành động của các cán bộ, chiến sĩ bộ đội, công an, ông Ma Văn Gióng (thôn 11, xã Cư San) cũng xúc động: “Trong cơn hoạn nạn, cấp ủy, chính quyền cùng các lực lượng chức năng, đặc biệt là các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thực sự là điểm tựa vững vàng của người dân. Không chỉ hỗ trợ sơ tán, tiếp tế đồ ăn, thức uống, quần áo, chăn màn, bảo vệ an toàn nhà cửa, hoa màu, tài sản, ngay khi nước rút, bộ đội, dân quân còn đến tận nhà giúp đỡ bà con tổng dọn vệ sinh, sửa sang nhà cửa rất nhiệt tình, trách nhiệm”.

Việt Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.