Multimedia Đọc Báo in

Chuyên mục "Dân hỏi – Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời"

UBND huyện Krông Bông trả lời thư công dân

09:05, 28/11/2016

Chương trình "Dân hỏi - Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời" nhận được phản ánh của người dân huyện Krông Bông về việc thiếu nước sản xuất; một số vấn đề về công tác cải cách hành chính (CCHC)... Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông ĐINH VĂN LONG đã trả lời những vấn đề người dân quan tâm.

Ông Đinh Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông.
Ông Đinh Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông.

- Người dân phản ánh, việc thiếu nước sản xuất dẫn tới mất mùa, thiệt hại nặng nề, gây khó khăn cho nông dân và đề nghị có hướng xử lý, đầu tư xây dựng hồ, đập trữ nước mùa khô, nâng cấp các đập chứa nước ở tuyến xã. Vậy hướng xử lý của huyện và các cơ quan chức năng trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?

+ Về quy hoạch phát triển thủy lợi trên địa bàn huyện (giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020) đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3473/QĐ-UBND ngày 30-12-2014. Tuy nhiên do khó khăn về nguồn vốn nên việc đầu tư xây dựng công trình thủy lợi đến thời điểm hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Hằng năm huyện đều ưu tiên bố trí kinh phí sự nghiệp kinh tế để sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục công trình thủy lợi mang tính cấp thiết để bảo đảm tưới tiêu chủ động. Thống nhất cho Nhà máy Thủy điện Krông Kmar xây dựng tạm hồ chứa để tích nước phục vụ tưới vụ đông xuân tại các xã: Khuê Ngọc Điền, Hòa Sơn, Ea Trul và thị trấn Krông Kmar. Bên cạnh đó huyện cũng đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài chính bố trí kinh phí để nâng cấp, sửa chữa 14 công trình thủy lợi trên địa bàn huyện trong năm 2017.

- Theo phản ánh của người dân, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức còn nhiều hạn chế. Ông đánh giá như thế nào về nhận định này?

+ Trước hết phải khẳng định rằng, đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước đã và đang góp phần đáng kể vào tiến trình CCHC theo mục tiêu xây dựng nền hành chính hiện đại, có tính chuyên nghiệp cao mà Đảng và Nhà nước ta đã đặt ra trong thời kỳ mới.

Song, cũng cần nhận thấy một thực tế còn không ít cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước hiện nay làm việc thiếu tích cực. Điều đó thể hiện ở chỗ: nhiều cán bộ, công chức bảo thủ trong cách nghĩ, cách làm, thiếu sự năng động, sáng tạo và đổi mới; cách làm việc quan liêu, hành chính hóa, không thạo việc, tác phong chậm chạp, rườm rà, thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm... dẫn đến sự trì trệ về phương thức hoạt động trong các cơ quan hành chính.

Vì vậy, cần phải có hệ thống các giải pháp đồng bộ nâng cao tính tích cực lao động của cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính Nhà nước như: tiếp tục đẩy mạnh CCHC, hoàn thiện cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho cán bộ, công chức; thực hiện hiệu quả công tác tổ chức cán bộ; xây dựng văn hóa công sở của cán bộ, công chức trong lao động; cải thiện thu nhập, chăm lo đời sống vật chất và điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức...

- Vậy trong thời gian tới huyện có những giải pháp gì để CCHC đạt được kết quả cao hơn nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp?

+ Trong thời gian tới, để đạt được kết quả cao hơn nữa trong công tác CCHC trên địa bàn, huyện tập trung thực hiện công tác CCHC gắn với nâng cao đạo đức công vụ, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy hành chính.

Để tạo bước đột phá, thủ trưởng các cơ quan đơn vị, chủ tịch UBND các xã, thị trấn cần xác định rõ một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác CCHC. Bên cạnh đó, tập trung, nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế tại từng đơn vị. Đặc biệt, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, chịu trách nhiệm trước UBND huyện về kết quả CCHC của ngành, lĩnh vực mình phụ trách. Ngoài các chức năng, nhiệm vụ được triển khai thực hiện theo quy định, cần tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính trên các lĩnh vực đất đai, xây dựng, thuế, đầu tư... tạo điều kiện để cho doanh nghiệp và người dân nắm bắt kịp thời các dịch vụ, thủ tục hành chính cần giải quyết. Mặt khác, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ; tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành; rà soát, kiểm tra các kết quả hoạt động theo kế hoạch CCHC đã đề ra, đẩy nhanh tiến độ, thực hiện có hiệu quả công tác CCHC.

Lan Anh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.