Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa ngay từ tuyến y tế xã, phường, thị trấn

15:12, 06/02/2017

Năm 2016 được xem là năm có nhiều khởi sắc của ngành Y tế Đắk Lắk. Trong các hoạt động tiêu biểu của ngành phải kể đến công tác xã hội hóa y tế. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế thì ngành Y tế tỉnh cần phải tăng tốc hơn nữa để đáp ứng mục tiêu "đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa ngay từ tuyến y tế xã, phường, thị trấn”. Xung quanh vấn đề này, bác sĩ DOÃN HỮU LONG, Giám đốc Sở Y tế đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đắk Lắk.

Ông có nhận định như thế nào về công tác  xã hội hóa y tế trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Cùng với hệ thống y tế công lập, thời gian qua, hệ thống y tế ngoài công lập cũng được quan tâm phát triển thông qua chủ trương xã hội hóa y tế. Với những chính sách ưu đãi, khuyến khích trong đầu tư phát triển, Đắk Lắk đã thu hút được nhiều nhà đầu tư chọn để xây dựng bệnh viện, cơ sở y tế, mở rộng mạng lưới cơ sở y tế ngoài công lập. Qua đó góp phần chia sẻ với hệ thống y tế công lập trong việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho nhân dân, đưa dịch vụ kỹ thuật cao, đa dạng phục vụ cho người dân. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã hình thành 5 bệnh viện đa khoa tư nhân với quy mô 897 giường bệnh (trong đó có 3 bệnh viện với quy mô 597 giường bệnh đã đi vào hoạt động); 9 phòng khám đa khoa tư nhân; 508 phòng khám chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế.

Bên cạnh những hiệu quả rõ rệt nói trên thì quá trình thực hiện xã hội hoá thời gian qua đã bộc lộ những mặt hạn chế, bất cập. Trong lĩnh vực y, dược tư nhân sự phát triển cả về số lượng lẫn loại hình hành nghề đã làm cho công tác quản lý Nhà nước gặp không ít khó khăn. Hiện tượng dịch chuyển nguồn nhân lực có chất lượng được đào tạo từ hệ thống y tế công sang y tế tư đang ngày càng trở nên phổ biến. Cơ chế chính sách chưa cụ thể, rõ ràng, thiếu đồng bộ, còn chưa phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa làm cho quá trình xã hội hóa còn chậm so với yêu cầu. Hằng năm, quy mô nguồn vốn xã hội hóa y tế tuy có tăng, song so với nhiều địa phương khác, con số này ở tỉnh ta còn khá khiêm tốn.

Công tác quản lý đối với các dịch vụ xã hội hóa y tế trên địa bàn tỉnh hiện nay được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Phải khẳng định rằng, công tác quản lý Nhà nước trong xã hội hóa y tế hiện còn nhiều bất cập. Trên thực tế, ngành Y tế đã có các văn bản hướng dẫn, triển khai, thẩm định, giám sát một số cơ sở xã hội hóa theo lĩnh vực, song chủ yếu vẫn chỉ tập trung về chuyên môn nghiệp vụ. Còn các lĩnh vực khác của cở sở y tế ngoài công lập chưa được phối hợp kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Một trong những vấn đề còn hạn chế hiện nay là hầu hết việc triển khai xã hội hóa y tế chỉ tập trung ở thành phố, thị xã còn ở các huyện rất ít nhà đầu tư. Theo ông phải làm thế nào để đẩy mạnh xã hội hóa về tuyến huyện?

Mặc dù có nhiều ưu đãi hơn, nhưng cho đến nay, xã hội hóa ở tuyến huyện còn ít triển khai, có nơi triển khai thì thực hiện chưa hiệu quả. Bởi, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động này, trong đó chủ yếu vẫn là mức thu nhập của người dân, khả năng “đồng chi trả” cho y tế còn thấp nên xu hướng chỉ đầu tư ở khu vực có nhu cầu khám chữa bệnh cao.

Từ thực tế này, để đẩy mạnh phát triển xã hội hóa y tế tại các huyện và các bệnh viện tuyến huyện, trước hết cần tiếp tục ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư tốt hơn. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần thực hiện tốt việc quy hoạch đất đai, ưu tiên những khu đất công có vị trí thuận lợi cho các dự án xã hội hóa y tế, tăng cường mời gọi doanh nghiệp và ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù của địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp. Có như vậy, tương lai xã hội hóa ở tuyến huyện mới có thể thực hiện tốt hơn nữa vai trò đồng hành trong chăm sóc sức khỏe người dân.

Để xã hội hóa thực sự là đòn bẩy cho phát triển y tế, hạn chế được tình trạng “thương mại hóa”, thời gian tới, tỉnh và ngành Y tế sẽ có những biện pháp gì tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho lĩnh vực này?

Để đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thời gian tới ngành Y tế tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành để huy động thêm nguồn lực phát triển các đơn vị y tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cho công tác khám chữa bệnh, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện hoạt động xã hội hóa y tế theo đúng các quy định của Nhà nước và thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động này; hướng dẫn các đơn vị y tế thực hiện có hiệu quả Thông tư số 15/2007/TT-BYT ngày 12-12-2007 của Bộ Y tế về thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập; tăng số lượng các đơn vị thực hiện công tác xã hội hóa y tế, hướng tới mục tiêu đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa ngay từ tuyến y tế xã, phường, thị trấn.

Bên cạnh đó, ngành cũng chủ động đề xuất, tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành quy định ưu đãi đầu tư cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, trang thiết bị y tế trong lĩnh vực khám chữa bệnh công lập và tư nhân (ngoài các dự án đã được đầu tư công); ban hành một số cơ chế, chính sách "thông thoáng", tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để thu hút các nhà đầu tư tham gia vào xã hội hóa công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Trân trọng cảm ơn ông!

Kim Oanh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.