Multimedia Đọc Báo in

Giải pháp nào cho tình trạng trẻ em làm việc ngoài tỉnh?

14:14, 16/04/2017

Tình trạng trẻ em ra tỉnh ngoài làm những công việc nặng nhọc (trái với quy định của pháp luật về lao động) sau một thời gian tạm lắng, gần đây lại “nóng” trở lại. Phóng viên Báo Đắk Lắk đã trao đổi nhanh với ông NGUYỄN QUANG TRƯỜNG, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội  (LĐ-TB&XH) xung quanh vấn đề này.

Xin ông cho biết thực trạng trẻ em đi lao động ngoài tỉnh hiện nay?

Theo báo cáo của các địa phương, toàn tỉnh hiện có 194 trẻ em ra ngoài tỉnh làm việc, chủ yếu ở các huyện: Cư Kuin (43 em), Krông Bông (42 em), Lắk (36 em), Cư M’gar (29 em), Ea Kar và Krông Pắc (mỗi địa phương 22 em); đa số là người dân tộc thiểu số, thuộc diện hộ nghèo. Các em thường đi theo người thân hoặc bạn bè để tìm kiếm việc làm. Đây chủ yếu là những em đã từng ra ngoài tỉnh làm việc được vận động trở về nhà, nay quay lại chỗ làm cũ… Hiện nay, tình trạng người môi giới, dụ dỗ đưa các em ra tỉnh ngoài làm việc đã được người dân nêu cao cảnh giác, phát hiện và kịp thời báo cơ quan chức năng. Điển hình như vụ việc ở xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) đã được cơ quan chức năng xử lý.

Trẻ em ra ngoài tỉnh làm việc diễn ra nhiều năm nay, đặc biệt sau dịp Tết Nguyên đán hằng năm số lượng trẻ em đi làm tăng lên, vậy đâu là nguyên nhân?

Tình trạng này diễn ra từ đầu năm 2015. Cụ thể, năm 2015 có 270 em, năm 2016 có 189 em và đầu năm 2017 đến nay có 194 em. Qua nắm bắt, nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ em phải  ra ngoài tỉnh làm việc kiếm sống sớm là do hoàn cảnh gia đình khó khăn, đông con, nhận thức của bố mẹ về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với trẻ em còn hạn chế… Đặc biệt nhận thức của một bộ phận người dân về Luật Lao động, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em chưa đầy đủ.

 • Các em nhỏ phải xa gia đình thì nguy cơ bị xâm hại rất cao. Vậy, theo ông làm sao để giải quyết tình trạng trẻ em ra ngoài tỉnh làm việc?

Để ngăn chặn nạn xâm hại trẻ em (xâm hại thân thể, sức khỏe, tình dục…), một mặt chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cơ sở, cộng đồng dân cư; phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi môi giới, dụ dỗ trẻ em đi lao động trái pháp luật, mặt khác chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn công tác đến làm việc với Sở LĐ-TB&XH TP. Hồ Chí Minh để phối hợp giải quyết tình trạng trẻ em làm việc trái pháp luật. Bên cạnh đó, Sở cũng thường xuyên cập nhật, khảo sát và thống kê số lượng trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để có biện pháp hỗ trợ vật chất, ổn định tâm lý, tạo điều kiện về học văn hóa và học nghề… Hiện chúng tôi đã thành lập đường dây nóng 05003.951597 trực 24/24 để tiếp nhận thông tin liên quan đến trẻ em, trong đó có vấn đề trẻ em bỏ học đi làm.      

Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của ngành, theo tôi cần phải có chính sách thiết thực để giải quyết vấn nạn này từ “gốc”; còn cứ giáo dục, tuyên truyền hay sử dụng biện pháp hành chính thì chỉ giải quyết được phần “ngọn”. Về phía tỉnh cần phải khoanh vùng những “điểm nóng” tình trạng trẻ em đi lao động sớm, bố trí kinh phí xây dựng mô hình điểm về giáo dục văn hóa và dạy nghề cho trẻ vị thành niên. Quá trình các cháu học văn hóa, học nghề, có thể làm thêm một số sản phẩm, có thể thu nhập không nhiều nhưng sẽ khuyến khích, động viên các cháu yên tâm học nghề để chuẩn bị cho tương lai.

Xin cảm ơn ông!

Hoa Nguyên (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.