Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng đường biên giới Việt Nam - Campuchia hòa bình, phát triển bền vững

09:10, 15/07/2017

Sau 10 năm thực hiện phân giới cắm mốc, đến nay đường biên giới giữa tỉnh Đắk Lắk (Việt Nam) và tỉnh Mundulkiri (Campuchia) đã được khảo sát, xây dựng hoàn chỉnh 7/7 vị trí gồm 11 cột mốc chính. Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với đồng chí VÕ VĂN CẢNH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban phân giới cắm mốc tỉnh về vấn đề này.

°Thưa đồng chí, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và đơn vị chức năng của tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác phân giới cắm mốc như thế nào?

Đắk Lắk có đường biên giới dài 73 km tiếp giáp với tỉnh Mundulkiri, Vương quốc Campuchia. Trong quá trình triển khai công tác phân giới cắm mốc đã xác định, tỉnh ta có 7 vị trí, 11 mốc chính gồm 4 mốc đơn là 41, 42, 43, 44; 2 cụm mốc đôi là 45, 47; 1 cụm mốc 3 là 46; mốc phụ được xác định hiện nay là 42 vị trí. Về nguyên tắc, phía Việt Nam thực hiện các mốc chẵn, phía Campuchia thực hiện các mốc lẻ.

Trong quá trình triển khai từ 2007 đến nay, Đội phân giới cắm mốc số 7 của Vương quốc Campuchia và Đội phân giới cắm mốc số 3 của Việt Nam đã có nhiều cố gắng, phối hợp chặt chẽ, đến nay, đã cơ bản hoàn thành công tác phân giới cắm mốc. Kết quả trên có được, trước hết phải kể đến sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ Ngoại giao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk, sự phối hợp chặt chẽ của tỉnh Mundulkiri, Vương quốc Campchia cùng với nỗ lực, quyết tâm của hai đội phân giới cắm mốc của nước ta và nước bạn. Đồng thời, có sự phối hợp, đồng thuận của nhân dân các xã biên giới của hai nước, lực lượng bảo vệ biên giới hai bên.

°Việc cơ bản hoàn thành công tác phân giới cắm mốc có ý nghĩa như thế nào trong quá trình giữ gìn an ninh biên giới quốc gia của nước ta cũng như Vương quốc Campuchia?

Công tác phân giới cắm mốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện quyết tâm, đoàn kết một lòng của Chính phủ hai nước Việt Nam và Campuchia trong việc hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền, để cùng nhau xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai nước làm ăn, sinh sống. Việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc đã góp phần phân định rõ và bảo quản tuyến đường biên giới, thuận lợi trong quá trình tuần tra, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

°Để giao lưu hợp tác phát triển hai bên biên giới, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, thời gian tới, 2 tỉnh sẽ chú trọng triển khai những nhiệm vụ gì, thưa đồng chí?

UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo trực tiếp cho UBND các xã trên tuyến biên giới cũng như huyện Ea Súp và Buôn Đôn, đồng thời giao cho lực lượng chủ công là Bộ đội Biên phòng tỉnh có nhiệm vụ tuần tra, canh gác, bảo vệ an ninh, an toàn trên tuyến biên giới. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh luôn xác định việc giữ gìn, vun đắp tình đoàn kết giữa nhân dân trên tuyến biên giới có ý nghĩa quan trọng, nhất là công tác tuyên truyền, vận động nhân dân sinh sống, làm việc tuân theo pháp luật của hai nước.

Thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Mundulkiri tiếp tục phân giới, cắm các mốc phụ ở khu vực có chung đường biên giới giữa hai tỉnh, tổ chức quản lý, bảo vệ an toàn hệ thống đường biên, mốc giới theo đúng cam kết của hai bên.

°Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Xuân (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.