Multimedia Đọc Báo in

Bảo đảm hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018

08:26, 10/02/2018

Dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột tăng mạnh. Làm thế nào để bảo đảm nguồn hàng chất lượng; các doanh nghiệp, tiểu thương chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân ra sao; địa điểm nào bán hàng bình ổn giá... Những vấn đề này được ông TRƯƠNG CÔNG THÁI, Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột trả lời trong chương trình “Dân hỏi - Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời”.

Hầu hết các đầu mối phân phối hàng hóa của tỉnh đều tập trung tại TP. Buôn Ma Thuột. Để hạn chế tình trạng các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn thành phố lợi dụng tăng giá, phí dịch vụ tùy tiện vào dịp Tết Nguyên đán, UBND thành phố đã triển khai những biện pháp gì, thưa ông?

Công tác quản lý nhà nước nói chung và quản lý giá cả hàng hóa, bình ổn giá trên địa bàn luôn được UBND TP. Buôn Ma Thuột thường xuyên quan tâm, chỉ đạo. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhằm góp phần cân đối cung cầu, đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. UBND thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban phối hợp thực hiện; giám sát tất cả các cơ sở kinh doanh, buôn bán phải bán đúng giá cả như đã niêm yết; đề xuất xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi lợi dụng tăng giá, phí dịch vụ một cách tùy tiện, trái quy định… Đặc biệt, trong dịp Tết năm nay, UBND thành phố tăng cường tuyên truyền trên Đài truyền thanh thành phố, Cổng thông tin điện tử thành phố, đài truyền thanh các phường, xã… để công bố các mặt hàng thiết yếu có giá được niêm yết; thường xuyên chỉ đạo các phòng, ban kiểm tra những địa điểm bán hàng bình ổn giá. Tăng cường công tác tuyên truyền, thông báo đã giúp người dân thực hiện việc giám sát của mình đối với các cơ sở kinh doanh, buôn bán. Qua đó, người dân sẽ phát hiện, thông báo đến các cơ quan chuyên môn của thành phố nhằm có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời nếu các cơ sở kinh doanh, buôn bán vi phạm.   

Có ý kiến cho rằng, các sản phẩm rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm ở các chợ đầu mối vẫn giữ giá ổn định, nhưng khi vào trung tâm thành phố lại trở nên đắt đỏ trong dịp Tết. Ông nghĩ sao về ý kiến này và UBND thành phố đã có những biện pháp, hành động gì để hạn chế tình trạng trên?

Cứ vào dịp cuối năm và giáp Tết Nguyên đán hằng năm thì hầu hết các sản phẩm, hàng hóa đều có chung “tâm lý” của người bán là tăng giá, trong đó các sản phẩm rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm cũng không loại trừ. Giá bán các sản phẩm này ở trung tâm thành phố thường cao hơn so với chợ đầu mối do quá trình vận chuyển, bảo quản, cũng như độ chênh lệch chất lượng sản phẩm. Hiện nay, vẫn còn có nhiều loại rau củ quả trôi nổi, xuất xứ nguồn gốc không rõ ràng nên người tiêu dùng chấp nhận trả cao hơn để mua những mặt hàng bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ nên giá cả có phần chênh lệch. Để hạn chế tình trạng này, UBND thành phố đã kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, xuất xứ của các mặt hàng này, cũng như việc phân phối tại các chợ, trung tâm thương mại trong thành phố… đối với những hành động tùy tiện tăng giá. Nếu các sản phẩm, hàng hóa này tăng giá đột biến thì sẽ không tiêu thụ được, bởi người dân sẽ chọn các chợ khác, trung tâm thương mại khác để mua. Trên địa bàn thành phố hiện nay có rất nhiều chợ, trung tâm thương mại với sản phẩm, hàng hóa rất đa dạng, phong phú nên người tiêu dùng đều có quyền so sánh, lựa chọn những mặt hàng tốt với giá cả hợp lý, phù hợp với nhu cầu của mình.              

Trên địa bàn thành phố hiện nay có bao nhiêu điểm đăng ký bán hàng bình ổn giá? Người tiêu dùng có thể tìm hiểu thông tin về các điểm bán hàng bình ổn giá này ở đâu, thưa ông?

Hiện nay trên địa bàn thành phố có nhiều điểm kinh doanh của các doanh nghiệp được niêm yết giá và thực hiện bán hàng bình ổn giá theo như đăng ký. Trong những điểm này thì siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện bán hàng hóa bảo đảm bình ổn giá. Ngoài ra, một số doanh nghiệp lớn như Vincom Plaza, khách sạn Mường Thanh, Công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên… có đủ năng lực, nguồn kinh phí để bổ sung hàng hóa, thực hiện bán hàng bình ổn giá, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Không riêng trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, mà những năm trước đây, các sở, ban, ngành, nhất là Sở Công thương đã phối hợp triển khai, thực hiện tốt việc bán hàng bình ổn giá. Nhờ đó, người lao động có thu nhập thấp thêm cơ hội để mua hàng hóa sát với giá bán của các đơn vị phân phối, góp phần có một cái Tết đầm ấm, sum vầy.

Trân trọng cảm ơn ông!

Duy Tiến (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.