Multimedia Đọc Báo in

Không nên tích trữ nhiều thực phẩm trong những ngày Tết

08:19, 08/02/2018

Những ngày này, các ngành chức năng đang tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) nhằm giúp người dân có được nguồn thực phẩm an toàn sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán. Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với bà LÊ THỊ CHÂU, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh xoay quanh nội dung này.

°Thưa bà, công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh đã và đang được cơ quan chức năng triển khai như thế nào?

Thời gian qua, công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh đã có sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương. Chỉ tính riêng năm 2017, Chi cục ATVSTP đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 3 đợt kiểm tra liên ngành trong các đợt cao điểm như Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP và Tết Trung thu. Đồng thời tổ chức 6 đợt thanh tra, kiểm tra định kỳ tại các cơ sở do đơn vị quản lý và 7 đợt thanh tra, kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của Sở Y tế và theo phản ánh của người dân. Qua kiểm tra 296 cơ sở đã phát hiện 83 cơ sở vi phạm quy định của nhà nước về ATTP; cảnh cáo 4 cơ sở và phạt tiền 79 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 500 triệu đồng.

°Tết Nguyên đán đang đến gần, vậy những nguy cơ tiềm ẩn mất ATTP trong dịp này là gì, thưa bà?

Vào dịp Tết, nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân rất lớn và có sự gia tăng đột biến... Nắm được tâm lý này và vì lợi nhuận, một số đối tượng sản xuất, kinh doanh có thể làm giả, làm nhái sản phẩm không đảm bảo chất lượng, đây chính là một trong những nguy cơ tiềm ẩn gây nên mất an toàn thực phẩm trong dịp Tết. Và một vấn đề nữa cũng đáng lưu ý trên địa bàn tỉnh, mùa xuân là mùa khí hậu nóng ẩm tạo điều kiện cho cây cối phát triển, trong đó có các loại nấm độc. Do đó, người dân cần hết sức lưu ý đối với các sản phẩm này, nếu không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không biết đó là loại nấm gì thì tuyệt đối không nên sử dụng, bởi rất có thể xảy ra ngộ độc.

Ngành chức năng kiểm tra chất lượng thực phẩm tươi sống tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Ngành chức năng kiểm tra chất lượng thực phẩm tươi sống tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

°Nhiều ý kiến cho rằng, công tác thanh tra kiểm tra ATTP dịp Tết Nguyên đán đang gặp không ít khó khăn. Vậy bà có thể nói rõ hơn về vấn đề này và những giải pháp khắc phục?

Thách thức lớn nhất đối với công tác thanh tra, kiểm tra ATTP dịp Tết Nguyên đán là khó kiểm soát các chợ đầu mối, bởi đây là nơi có khối lượng hàng hóa rất lớn, phân phối đi nhiều địa bàn trong tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh ta có địa bàn rộng, trong khi nguồn nhân lực thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là ở tuyến xã, phường còn chưa đủ mạnh. Việc phát hiện sai phạm và xử lý các cơ sở vi phạm quy định về ATTP cũng gặp không ít khó khăn, có cơ sở khi đoàn thanh tra, kiểm tra đến thì cố tình đóng cửa, có cơ sở đăng ký địa điểm sản xuất nơi này nhưng thực tế lại sản xuất ở một nơi khác, đoàn kiểm tra rất khó tiếp cận…

Trước những khó khăn này, để đảm bảo công tác ATTP trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân năm 2018, chúng tôi đã phối hợp các ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh thông qua Ban Chỉ đạo bảo đảm VSATTP tỉnh triển khai đồng bộ tất cả các biện pháp: truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để cung cấp thông tin cho người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh, cũng như các nhà quản lý về công tác bảo đảm ATTP; tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm ATTP cho cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm cấp huyện; thành lập đội điều tra phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các huyện, thị xã, thành phố để vừa xây dựng kế hoạch phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, vừa sẵn sàng đáp ứng các sự cố khi ngộ độc thực phẩm xảy ra...

°Vào dịp Tết Nguyên đán, nhiều người có thói quen tích trữ thực phẩm trong nhà, nhất là thực phẩm tươi sống. Theo bà điều này có nên hay không?

Trong quá trình sử dụng thực phẩm, ngoài việc chọn lựa các nguồn hàng đảm bảo chất lượng, thì một vấn đề cũng hết sức quan trọng đó là chế biến và bảo quản thực phẩm. Trong dịp Tết, người dân thường có thói quen tích trữ thực phẩm trong tủ lạnh để sử dụng dần. Tuy nhiên, tôi thấy rằng đây là việc làm không cần thiết, bởi hiện nay các sản phẩm tươi sống như thịt, cá, rau, củ quả... luôn sẵn có, đáp ứng đủ nhu cầu cho người tiêu dùng. Nếu bảo quản không đúng cách sẽ làm cho thực phẩm có nhiều đạm như cua, cá, thịt, tôm… dễ bị ôi, thiu, không đảm bảo an toàn và có ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng. Còn đối với các loại thực phẩm có bao gói, người dân nên bảo quản theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

°Trân trọng cảm ơn bà!

Kim Oanh (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.