Multimedia Đọc Báo in

Cấp bách bảo tồn vốn âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số

06:57, 15/04/2018

Hội thảo khoa học “Bảo tồn di sản âm nhạc cổ truyền các dân tộc thiểu số ở Trung bộ và Tây Nguyên” vừa được Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam phối hợp với ngành Văn hóa Đắk Lắk tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột. Nhân dịp này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với Phó GS – TS NGUYỄN BÌNH ĐỊNH, Giảng viên cao cấp Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam xung quanh vấn đề trên.

Phó GS – TS. Nguyễn Bình Định
Phó GS – TS. Nguyễn Bình Định

Ông có thể cho biết đôi nét về việc bảo tồn di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện nay?

Cũng giống như Văn hóa cồng chiêng một thời, di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đang bị mai một, biến dạng và đứng trước nguy cơ biến mất trong đời sống sinh hoạt cộng đồng. Nguyên nhân là do đời sống đã thay đổi rất nhiều, kéo theo nhu cầu thưởng thức và hưởng thụ văn hóa của đại bộ phận người dân, nhất là lớp trẻ cũng đã khác xưa, trong đó có âm nhạc. Trước bối cảnh ấy, cùng lúc bị ảnh hưởng từ nhiều luồng, nhiều loại âm nhạc khác nhau, vốn âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số đang ngày càng bị thu hẹp về không gian trình diễn, đối tượng khán giả và điều kiện truyền dạy…Vì thế chẳng còn mấy nghệ nhân giỏi nghề, trình diễn thành thạo các thể loại âm nhạc dân gian đặc sắc. Đáng nói hơn là những nghệ nhân nắm giữ vốn di sản này, hầu hết đã lớn tuổi, già yếu và một khi họ “nằm xuống” thì có nghĩa vốn liếng âm nhạc cổ truyền quý báu của mỗi cộng đồng dân tộc mất đi, không bao giờ tìm lại được.

Cho nên, ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng: việc bảo tồn vốn âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở khu vực Trung bộ và Tây Nguyên cũng cấp bách không khác gì việc bảo tồn Văn hóa cồng chiêng. Hội thảo này nằm trong kế hoạch thực hiện đề tài nghiên cứu cấp Quốc gia: “Những giải pháp cấp bách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam” thuộc Chương trình Khoa học – Công nghệ Quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ VH-TT-DL và Ủy ban Dân tộc Chính phủ giao cho Viện nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam thực hiện. Tôi là người đại diện chủ nhiệm đề tài.

Vậy việc tiếp cận đối tượng được khảo sát, nghiên cứu thuộc phạm vi đề tài này sẽ  tiến hành theo cách thức nào, thưa ông?

Chúng tôi xác định cách tiếp cận đối tượng theo hướng đa ngành. Có nghĩa là không riêng gì âm nhạc (gắn với nhạc cụ) và hiệu quả mang lại của nó, mà bao gồm nhiều lĩnh vực, chuyên môn có liên quan như: văn hóa, lịch sử, địa lý, dân tộc, nhân chủng… của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Từ đó định hình và định tính một cách đầy đủ, toàn diện và chính xác giá trị di sản âm nhạc cổ truyền của mỗi tộc người.

Chẳng hạn như ở Tây Nguyên thì điệu hát Kứt, hát Ay ray của người Êđê được thể hiện trong thời điểm, hoàn cảnh nào - và ai hát, gắn với nhạc cụ xướng đệm gì? Chỉ có cách tiếp cận theo hướng đa ngành trên thì mới lột tả hết chiều sâu của các làn điệu dân ca gần gũi, thân thuộc ấy của tộc người Êđê.

Dĩ nhiên, chúng tôi phải tiến hành phương pháp điền dã (đi đến nơi) mới tiếp cận được đối tượng nghiên cứu. Theo đó, chúng tôi sẽ phát phiếu khảo sát, điều tra xã hội học đến các đối tượng là người dân thuộc mọi thành phần, lứa tuổi trong từng cộng đồng dân cư và học sinh, sinh viên các trường phổ thông dân tộc nội trú, ngành học âm nhạc dân tộc trong các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn một số tỉnh, thành có đông người dân tộc thiểu số sinh sống.

Tóm lại, từng bước đi thực hiện đề tài trên, chúng tôi sẽ tiến hành một cách cẩn trọng và khoa học như những dự án bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa cồng chiêng, hay Sử thi Tây Nguyên mà Viện Văn hóa – Khoa học – Xã hội Việt Nam đã làm trước đây. Trên cơ sở đó sẽ đề xuất, tham mưu cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, hoàn thiện chính sách dân tộc nói chung, trong đó có việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số nói riêng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đình Đối (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) 7 nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình số 56-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 46 –NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”.