Multimedia Đọc Báo in

Phải xác định yêu cầu của thị trường là mệnh lệnh đối với sản xuất

06:51, 09/06/2018

Ðầu ra cho nông sản quyết định hiệu quả của cả quá trình sản xuất nông nghiệp. Ðây là vấn đề nan giải của nông dân và cũng là thách thức không nhỏ đối với các cơ quan quản lý nhà nước.

Sau đây là trao đổi giữa phóng viên Báo Đắk Lắk với Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn NGUYỄN HOÀI DƯƠNG xung quanh nội dung này.

Tình trạng nông sản ế ẩm, rớt giá, thậm chí chất đống vất bỏ vì không bán được liên tục diễn ra. Trước “điệp khúc” này, câu hỏi được đặt ra là vai trò của các cơ quan chức năng ở đâu và làm thế nào để không cần những đợt “giải cứu” như thời gian qua, thưa ông?

- Đúng là vừa qua chúng ta phải “giải cứu” một số loại nông sản. Theo tôi, nguyên nhân thứ nhất là do cung vượt cầu. Thứ hai là chất lượng sản phẩm sản xuất ra không đáp ứng yêu cầu của thị trường. Trong khi thị trường bây giờ yêu cầu phải rõ về chất lượng, về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như truy xuất được nguồn gốc. Và một nguyên nhân quan trọng nữa là cung - cầu chưa đến được với nhau.  Có nơi nhiều sản phẩm không bán được, nhưng có nơi thì lại không mua được sản phẩm này, việc kết nối chưa được tốt... Về vấn đề này, trong thời gian qua các cơ quan chức năng đã  lập quy hoạch, định hướng phát triển về ngành, về sản phẩm của từng nơi, từng vùng cho phù hợp; rồi hướng dẫn, khuyến cáo người sản xuất phải sản xuất sản phẩm gì, theo tiêu chuẩn chất lượng như thế nào, bên cạnh đó là những khuyến cáo về thị trường... Tuy nhiên quyết định vẫn là người sản xuất, nhưng trên thực tế người sản xuất chưa quan tâm nhiều đến việc kết nối giữa sản xuất và thị trường.

Mô hình ươm cây giống tại xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột).
Mô hình ươm cây giống tại xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột).

Để giải quyết vấn đề này thì phải giải quyết được các vấn đề nêu trên.  Trước tiên phải giải quyết từ khâu sản xuất ban đầu, nghĩa là từ người sản xuất đã phải xác định yêu cầu của thị trường là mệnh lệnh đối với sản phẩm của mình: lựa chọn sản phẩm nào ổn định, lâu dài, hiệu quả và phải sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng của thị trường thì mới có thể tiêu thụ được. Và không thể cứ ngồi chờ người tiêu dùng đến mua sản phẩm của mình mà ngay từ khi sản xuất đã phải có sự liên kết hợp tác, tạo kết nối thị trường ổn định, sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, có người sẵn sàng mua với giá cả đã được xác định, có như vậy mới giải quyết được câu chuyện không phải “giải cứu” nông sản.

Theo ông, hiện nay, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép, chứa các hóa chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng đã trở thành rào cản, ảnh hưởng đến việc xuất khẩu nông sản. Vậy, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai những giải pháp đồng bộ, bền vững gì để có được nông sản sạch, chất lượng?

- Thời gian qua, công tác quản lý về chất lượng, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã được chú trọng, tăng cường. Ngành Nông nghiệp cùng với chính quyền các cấp và các cơ quan thông tin đại chúng đã thực hiện tốt công tác phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn cho cả người sản xuất, kinh doanh và người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiểu rõ về quy trình, quy phạm, cách thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định để đảm bảo việc sản xuất, kinh doanh cũng như việc sử dụng đúng liều lượng, đúng quy chuẩn. Tuy nhiên, tôi cho rằng các ngành, các cấp phải làm tốt hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật cho đến người sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo thuốc chất lượng, đúng quy chuẩn, liều lượng và những trường hợp vi phạm trong kinh doanh, sử dụng phải xử lý nghiêm. Đồng thời, đề nghị các cơ quan xử lý nêu tên các cá nhân, đơn vị vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người biết và né tránh. Một vấn đề nữa mang tính ổn định, bền vững, lâu dài là phải có sự hỗ trợ sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận để đảm bảo có sự kiểm soát, có chứng nhận về liều lượng, cách thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và có kiểm tra, kiểm định, như vậy mới có thể đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng để đưa ra thị trường và xuất khẩu.

Để “khơi thông” và ổn định đầu ra cho nông sản, ngành Nông nghiệp Đắk Lắk đã có những giải pháp trước mắt cũng như chiến lược dài hơi như thế nào?

- Theo tôi, vấn đề cốt lõi là phải làm tốt việc gắn kết giữa sản xuất với thị trường. Người sản xuất phải thay đổi tư duy sản xuất, phương thức sản xuất không thể đơn lẻ, mà phải thay đổi theo hướng hợp tác, liên kết với nhau để tổ chức sản xuất, từ đó có một khối lượng hàng hóa ổn định, đủ lớn và đảm bảo đồng nhất về tiêu chuẩn chất lượng thì mới có thể kết nối với các thị trường tiêu thụ được. Và khi đã sản xuất khối lượng hàng hóa ổn định theo tiêu chuẩn chất lượng rồi, có thể liên kết hợp tác với các cơ sở tiêu thụ để được hỗ trợ từ khâu giống, quy trình sản xuất, vốn đầu tư cho đến đầu ra đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Trong quá trình đó một loạt các vấn đề khác sẽ được triển khai như: ứng dụng công nghệ cao, quy trình quản lý tiên tiến… theo đó năng suất, chất lượng sẽ được tăng lên, giá thành giảm xuống, có cơ hội để xây dựng các thương hiệu cho sản phẩm. Điều này cũng có nghĩa là vấn đề tiêu thụ ở thị trường nào, ở đâu đã được xác định rõ rồi... Đó là những giải pháp quan trọng mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và sẽ tiếp tục phổ biến để có thể triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Lan Anh (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.