Multimedia Đọc Báo in

Tạo đột phá trong cải cách hành chính lĩnh vực xây dựng

08:45, 22/07/2018

Đẩy mạnh cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Sở Xây dựng tập trung thực hiện. Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc.

Trong chương trình “Dân hỏi – Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời” về chủ đề “Thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng” mới đây, ông LÂM TỨ TOÀN, Giám đốc Sở Xây dựng đã chia sẻ về vấn đề này.

°Thời gian qua, Sở Xây dựng đã và đang đẩy mạnh công tác CCHC. Vậy quá trình thực hiện CCHC tại đơn vị tác động như thế nào đến việc giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực xây dựng, thưa ông?

Công tác CCHC luôn được Sở Xây dựng chú trọng triển khai thực hiện, điều này thể hiện rõ qua việc đơn giản hóa TTHC. Từ năm 2009-2018, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 6 quyết định về công bố sửa đổi, bổ sung, cắt giảm các TTHC không còn phù hợp, kết quả đã cắt giảm 43 TTHC (từ 91 xuống còn 48 TTHC).

Trong năm 2017, Sở thực hiện việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ TTHC trên hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp một cửa, một cửa liên thông tỉnh Đắk Lắk (IGATE) để giải quyết công việc cho công dân và tổ chức. Điều chỉnh thời gian xử lý TTHC trong lĩnh vực cấp giấy phép xây dựng (GPXD) từ 30 ngày xuống 25 ngày (giảm 5 ngày). Số hồ sơ được giải quyết của Sở có tỷ lệ trả kết quả trước hạn, đúng hạn 100%, không có hồ sơ trễ hạn. 100% TTHC được công bố giải quyết ở mức độ 1, 2 và 3.

Năm 2018, Sở đã điều chỉnh giảm thời gian giải quyết TTHC đối với các thủ tục về cấp GPXD, thẩm định thiết kế cơ sở; thẩm định thiết kế bản vẽ thi công theo Chỉ thị số 08/CT-TTg, ngày 13-3-2018 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, đối với thẩm định thiết kế cơ sở và thẩm định thiết kế bản vẽ thi công mỗi thủ tục rút ngắn 5 ngày làm việc; đối với cấp GPXD rút ngắn 10 ngày làm việc. Tổng thời gian giảm của 3 TTHC nêu trên là 20 ngày (giảm nhiều hơn 1 ngày so với yêu cầu của Thủ tướng).

Trên thực tế từ năm 2016, Sở Xây dựng đã rút ngắn thời gian xử lý TTHC trong lĩnh vực cấp GPXD xuống còn 14 ngày (thực hiện quy trình ISO của Sở). Và hiện tại, Sở Xây dựng đang lấy ý kiến các sở, ngành, đơn vị liên quan về góp ý dự thảo Quy trình Thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong cấp GPXD trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, trong đó giảm thời gian giải quyết từ 20 ngày theo quy định tại Chỉ thị số 08/CT-TTg xuống 15 ngày làm việc (giảm 5 ngày). Dự kiến trong quý III năm 2018, Sở sẽ thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết và trả hồ sơ TTHC ở mức độ 4 đối với 4-5 TTHC (chiếm 10% trên tổng số 48 TTHC)...

°Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông có thể cho biết những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong công tác giải quyết TTHC lĩnh vực xây dựng?

-Vướng mắc nhất hiện nay trong công tác giải quyết TTHC lĩnh vực xây dựng là Quy định về trình tự thời gian xử lý công việc. Chẳng hạn, theo quy định thì thẩm định thiết kế cơ sở đối với nhóm B là 15 ngày, nhóm C 10 ngày; thẩm định bản vẽ thì công, đối với công trình cấp 2, 3 là 25 ngày, còn các công trình khác là 15 ngày; đối với cấp GPXD là 20 ngày. Như vậy, đối với công trình nhóm B tổng cộng thời gian cần để xử lý, giải quyết các thủ tục hết 60 ngày làm việc. Nhưng nếu thực hiện song song cùng một lúc các thủ tục này thì chỉ mất tối đa 25 ngày. Tuy nhiên, theo quy trình khi nộp hồ sơ vào thì có thời hạn cho nên chưa thể áp dụng giải quyết song song được. Sở cũng đã có nghiên cứu và sắp tới sẽ báo cáo với UBND tỉnh để xin phép được áp dụng nộp một lần 3 hồ sơ để các phòng, ban nghiên cứu trước nhằm rút ngắn một nửa thời gian so với quy định.

Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - Sở Xây dựng.
Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - Sở Xây dựng.

Một vướng mắc khác là việc triển khai TTHC trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4. Do dung lượng cấp cho Sở ít nên nếu gửi bản vẽ qua mạng chứa dung lượng lớn (bình quân một bản vẽ chiếm 2-5 MB và số lượng bản vẽ của hồ sơ khoảng 20-30 bản vẽ chiếm 60 MB) nên không đủ để tiếp nhận đồng thời nhiều công trình. Mặt khác người dân chưa có điều kiện, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin để chuyển hồ sơ qua mạng nên việc gửi hồ sơ ở cấp độ 3 và 4 chưa đạt yêu cầu đề ra.

Ngoài ra, thêm một khó khăn nữa đó là việc phối hợp với các sở, ngành liên quan chưa chặt chẽ để giảm thời gian cho các nhà đầu tư. Về vấn đề này Sở đang nghiên cứu các thủ tục có thể tiến hành song song như: phòng cháy chữa cháy, cam kết môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường và sẽ có kiến nghị, đề xuất lên các cấp có thẩm quyền để được “luật hóa” nhằm giảm bớt thời gian cho nhà đầu tư khi thực hiện các TTHC...

°Để tạo bước đột phá trong CCHC lĩnh vực xây dựng, thời gian tới Sở sẽ triển khai thực hiện những giải pháp trọng tâm gì, thưa ông?

-Hiện nay, Sở đang tập trung nghiên cứu lại các quy trình, trong đó chú trọng đến việc rút ngắn thời gian giải quyết TTHC ở từng công việc, từng vị trí, quy trình. Sở cũng đã yêu cầu cán bộ, nhân viên phụ trách tại bộ phận một cửa phải hướng dẫn cho doanh nghiệp, công dân khi đến giải quyết TTHC tiếp cận được dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4, gắn với hướng dẫn truy cập các trang mạng của Sở để nắm thông tin, gửi hồ sơ qua mạng nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện các TTHC tại Sở...

°Xin cảm ơn ông!

Lan Anh (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.