Multimedia Đọc Báo in

Giảm thiểu thực phẩm "bẩn" trà trộn vào thị trường

11:33, 25/01/2019

Những ngày này, các cơ quan chức năng của địa phương đang triển khai đồng loạt các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), nhằm kịp thời loại bỏ thực phẩm “bẩn” ra khỏi thị trường.

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ Trần Văn Tiết, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATTP tỉnh xoay quanh nội dung này.

Bác sĩ Trần Văn Tiết, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATTP tỉnh, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành số 2 của tỉnh kiểm tra chất lượng thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện Lắk.
Bác sĩ Trần Văn Tiết, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATTP tỉnh, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành số 2 của tỉnh kiểm tra chất lượng thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện Lắk.

°Thưa bác sĩ, Tết Nguyên đán đang tới gần cũng là thời điểm nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân tăng cao, phía cơ quan chức năng đã triển khai công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn như thế nào?

Ngay từ đầu tháng 12-2018, Chi cục ATTP tỉnh đã tham mưu cho ngành Y tế cũng như Ban Chỉ đạo bảo đảm vệ sinh ATTP của tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động bảo đảm ATTP dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân năm 2019. Đồng thời tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Chi cục cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai trong lĩnh vực thực phẩm đối với ngành Y tế và tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, treo pa nô, áp phích tuyên truyền về ATTP tại các địa điểm công cộng để người dân biết và làm theo; chỉ đạo cho Trung tâm Y tế, phòng Y tế tuyến dưới triển khai các hoạt động bảo đảm ATTP tại địa phương của mình.

°Đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm thời vụ, tự phát trong dịp Tết Nguyên đán, ngành đã có biện pháp quản lý như thế nào để phòng tránh nguy cơ thực phẩm “bẩn” trà trộn vào thị trường, thưa bác sĩ?

Trong dịp Tết Nguyên đán, bên cạnh những mặt hàng được sản xuất một cách chính quy của các nhà sản xuất hội đủ các điều kiện theo quy định thì cũng có rất nhiều cơ sở, hộ gia đình sản xuất những sản phẩm tự phát, tự làm để cung cấp cho cộng đồng sử dụng trong dịp Tết. Đối với các loại hình sản xuất kinh doanh này, Chi cục đã thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn để các cơ sở làm đúng các quy định của pháp luật. Đồng thời, trong quá trình các đoàn liên ngành của tỉnh đi kiểm tra, khi phát hiện được các mặt hàng do người dân tự sản xuất chưa đảm bảo các quy định về ATTP, chúng tôi sẽ tìm đến nơi sản xuất để trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn; nếu phát hiện sai phạm sẽ mời chủ cơ sở về Chi cục để xử lý theo quy định.

Ngoài các đợt thanh tra liên ngành, nếu chúng tôi phát hiện hoặc được tuyến dưới cung cấp thông tin về các cơ sở sản xuất thực phẩm không bảo đảm vệ sinh ATTP thì tùy theo mặt hàng của cơ sở sản xuất mà sẽ có cách xử lý khác nhau (hiện nay, theo Luật ATTP quy định 3 bộ, ngành cùng quản lý công tác ATTP gồm Y tế, Nông nghiệp và Công thương). Trường hợp các mặt hàng thuộc ngành Y tế quản lý, chúng tôi sẽ trực tiếp kiểm tra, quản lý. Còn trường hợp sản phẩm thuộc ngành Nông nghiệp và Công thương quản lý thì chúng tôi cũng sẽ có thông báo đến các ngành để kiểm tra, xử lý theo đúng thẩm quyền.

Thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 của tỉnh lấy mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm chất lượng tại một cơ sở kinh doanh.
Thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 của tỉnh lấy mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm chất lượng tại một cơ sở kinh doanh.

°Để người dân nắm rõ kiến thức về ATTP và chủ động nói “không” với thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng, trong dịp này ngành đã đẩy mạnh công tác truyền thông như thế nào?

Chi cục ATTP tỉnh rất quan tâm đến vấn đề truyền thông nhằm giúp người tiêu dùng nắm bắt được các thông tin cơ bản, biết cách lựa chọn sản phẩm thực phẩm đảm bảo vệ sinh ATTP để sử dụng, làm sao vui trong ngày Xuân nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe. Chúng tôi đã in sao băng đĩa gửi cho tuyến dưới và chỉ đạo tổ chức truyền thông đến tận xã, phường; đồng thời liên hệ với Phòng Văn hóa thông tin của TP. Buôn Ma Thuột để được phép treo pa nô, áp phích trên những trục đường chính; đăng tải các bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng để truyền thông đến người tiêu dùng cách lựa chọn thực phẩm không gây hại đến sức khỏe.

°Bác sĩ có khuyến cáo gì đối với người tiêu dùng trong việc chọn mua sản phẩm thực phẩm?

Khi mua thực phẩm trên thị trường, người tiêu dùng nên chọn địa điểm mua là những nơi có uy tín và nên xem kỹ nhãn mác hàng hóa. Những sản phẩm đạt yêu cầu sẽ có nhãn mác đúng quy định với các thông tin cơ bản như: tên của sản phẩm, nhà sản xuất, địa chỉ nhà sản xuất, thành phần tạo nên sản phẩm, hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng, đặc biệt là ngày sản xuất và hạn sử dụng. Tránh mua các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, bày bán tại các địa điểm không bảo đảm vệ sinh môi trường, sản phẩm không bao bì, nhãn mác hoặc có nhãn mác nhưng không đầy đủ thông tin.

°Trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Kim Oanh (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.