Multimedia Đọc Báo in

Siết chặt hoạt động khai thác cát trái phép

11:17, 01/03/2019

Tài nguyên và môi trường (TNMT) là lĩnh vực “nóng” đối với người dân, doanh nghiệp và cả các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay. Vậy công tác kiểm tra, xử lý vi phạm TNMT ra sao? Giải pháp nào để nâng cao hiệu quả quản lý TNMT?

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trò chuyện với ông BÙI THANH LAM, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường để làm rõ hơn về những nội dung này.

°Xin ông cho biết khái quát kết quả kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về TNMT trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Quản lý nhà nước về TNMT nói chung, trong đó công tác thanh kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực TNMT nói riêng là nhiệm vụ khá khó khăn và phức tạp. Trong thời gian qua, để thực hiện tốt công tác này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng định hướng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hằng năm. Các nội dung, kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã bám sát định hướng của ngành và tập trung vào những vấn đề "nóng", nổi cộm tại địa phương.

Trong năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai 25 cuộc thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực TNMT tại 103 đơn vị. Qua đó đã xử phạt và tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính đối với 16 đơn vị vi phạm, với tổng số tiền hơn 773 triệu đồng. Qua thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm và có biện pháp chấn chỉnh, xử lý theo quy định; đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp các đơn vị được thanh tra, kiểm tra khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm thực hiện tốt các quy định của pháp luật về TNMT.

Từ hoạt động thanh tra, kiểm tra cũng đã phát hiện các tồn tại, bất cập trong cơ chế chính sách, qua đó kiến nghị các cấp có thẩm quyền kịp thời chỉnh sửa, bổ sung, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về TNMT, nâng cao việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

°Tình trạng khai thác cát trái phép gây sạt lở bờ sông và diện tích đất ven sông tại một số địa phương trong tỉnh được dư luận rất quan tâm. Vậy, trong thời gian tới, các địa phương và ngành chức năng có giải pháp gì để xử lý dứt điểm tình trạng này, thưa ông?

Hiện nay tình trạng khai thác cát trái phép gây sạt lở bờ sông và diện tích đất ven sông tại một số địa phương trong tỉnh vẫn còn diễn ra. Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quản lý hoạt động khoáng sản nói chung, khai thác cát nói riêng để khai thác tài nguyên một cách hợp lý và hiệu quả. Có thể kể đến các văn bản, như: Chỉ thị số 17/CT-UBND, ngày 14-11-2017 về nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 10/2018/QĐ-UBND, ngày 15-5-2018 ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý thu ngân sách nhà nước đối với hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Quy chế phối hợp quản lý khoáng sản với tỉnh Đắk Nông và tỉnh Lâm Đồng; Kế hoạch số 2852/KH-UBND, ngày 12-4-2018 về thực hiện cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh…

    Hoạt động khai thác cát  trên sông Krông Ana (đoạn qua địa bàn huyện  Cư Kuin).      Ảnh: G.Nam
Hoạt động khai thác cát trên sông Krông Ana (đoạn qua địa bàn huyện Cư Kuin). Ảnh: G.Nam

Bên cạnh đó, các văn bản chỉ đạo cũng được ban hành nhiều, như: văn bản quy định thời gian hoạt động khai thác cát trên các sông chỉ được hoạt động từ 6 giờ tới 18 giờ hằng ngày, không được hoạt động vào ban đêm và đề nghị các đơn vị được cấp phép chỉ khai thác cát ở lòng sông và phải có trách nhiệm quản lý khu vực được cấp phép; đăng ký, đăng kiểm tàu khai thác cát theo quy định và gắn bảng hiệu, bảng tên đơn vị, số thứ tự lên tàu khai thác của đơn vị mình để các cơ quan quản lý theo dõi, giám sát…

Trong thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành, UBND các huyện đã rà soát, cắm mốc vị trí khu vực sạt lở bờ sông để cấm khai thác (trên sông Krông Ana là 19 vị trí với tổng chiều dài sạt lở 9.240 m; sông Krông Bông là 4 vị trí với tổng chiều dài sạt lở 4.421 m; sông Krông Nô là hai vị trí với tổng chiều dài sạt lở 1.950 m). Các cơ quan chức năng cũng đã đề nghị các đơn vị lắp đặt trạm cân gắn camera giám sát tại các bãi tập kết cát để tiện theo dõi. Đến cuối năm 2018, đã có 8/17 đơn vị hoàn thành lắp đặt; 6/17 đơn vị lắp đặt chưa hoàn thành thì UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị ngừng khai thác, đến khi nào lắp đặt xong thì mới tiến hành khai thác; 3/17 đơn vị có đơn xin tạm hoãn lắp đặt do khu vực khai thác ở vùng sâu, không có đường điện lưới. Bên cạnh đó, trong giấy phép khai thác cũng quy định cụ thể việc khai thác cát chỉ được khai thác cát ở lòng sông, phải cách bờ từ 4 đến 5 m và không làm thay đổi dòng chảy theo phương án đã được phê duyệt.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, các cấp, các ngành đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý cho nên việc hoạt động khai thác khoáng sản đã từng bước đi vào nền nếp và hiệu quả hơn, góp phần tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương.  

°Xin cảm ơn ông!

Duy Tiến (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.