Multimedia Đọc Báo in

Triển khai tốt tín dụng chính sách góp phần hạn chế "tín dụng đen"

09:47, 20/03/2019
Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần vào công tác an sinh xã hội trên địa bàn, những năm qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Đắk Lắk đã triển khai tốt các chính sách tín dụng của Chính phủ. Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk NGUYỄN TỬ ÂN xung quanh việc nâng cao hiệu quả, chất lượng nguồn vốn vay ưu đãi.
 
●Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội là một trong những nguồn lực quan trọng thực hiện giảm nghèo, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn có cơ hội học tập. Ông có thể đánh giá khái quát về hiệu quả của nguồn vốn này trong thời gian qua?
 
Tính đến cuối năm 2018, tổng dư nợ của 17 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh là 4.368 tỷ đồng, trong đó 77% nguồn vốn phục vụ các chương trình phát triển sản xuất, số còn lại phục vụ đời sống. Có thể khẳng định, hoạt động cho vay tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đã góp phần giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống của hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và các đối tượng chính sách. Nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có thêm cơ hội việc làm, học tập, cải thiện nhà ở, nâng cao trình độ quản lý, sản xuất, kinh doanh, dần vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Bên cạnh đó, nguồn vốn vay ưu đãi cũng góp phần hạn chế tình trạng vay lãi suất cao hay phải tìm đến “tín dụng đen”, nhất là ở vùng nông thôn, vùng DTTS. Qua đó, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh - quốc phòng.
 
●Các đối tượng được vay vốn ưu đãi trên địa bàn tỉnh có phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn vay không, thưa ông? 
 
Về cơ bản, chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh trong những năm qua luôn được nâng cao, hiệu quả sử dụng vốn ngày càng cao, tỷ lệ nợ quá hạn thấp, cuối năm 2018 chỉ chiếm 0,12% (giảm 0,06% so với năm 2017). Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn hộ vay vốn tín dụng chính sách chưa phát huy được hiệu quả và để nợ quá hạn. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó có các nguyên nhân khách quan như: thiên tai, dịch bệnh, trình độ sản xuất kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn hạn chế… dẫn đến một số hộ bị thua lỗ, mất vốn, không còn nguồn để trả nợ ngân hàng, phát sinh nợ quá hạn, nguy cơ tái nghèo. Ở một số nơi, công tác phối hợp tổ chức hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chưa gắn kết, hiệu quả.
 
●Để phát huy hiệu quả các nguồn vốn vay tín dụng chính sách, theo ông cần có những giải pháp gì?
 
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ giao tăng trưởng dư nợ tín dụng cho toàn hệ thống NHCSXH là 8%. Căn cứ chỉ tiêu tăng trưởng được giao, Tổng Giám đốc NHCSXH đã giao tăng trưởng cho Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk đợt 1 là 310 tỷ đồng. Nguồn vốn giao tăng trưởng tập trung vào một số chương trình thiết yếu như: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, nhà ở... Căn cứ chỉ tiêu kế hoạch được giao, Chi nhánh đang chỉ đạo các đơn vị cơ sở tập trung giải ngân cho vay hoàn thành kế hoạch trong thời gian sớm nhất, bảo đảm cho hộ dân có vốn tập trung sản xuất kịp thời.
 
Sau hơn 16 năm hoạt động, NHCSXH đã thực hiện tốt nhiệm vụ được Chính phủ giao về việc đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Có thể khẳng định, chính sách và nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần rất lớn trong việc hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi và hoạt động "tín dụng đen", bởi các đối tượng hộ nghèo, chính sách, đồng bào DTTS được vay vốn từ NHCSXH bằng hình thức tín chấp, ủy thác qua các hội, đoàn thể mà không cần bất cứ tài sản thế chấp nào.
 
Để tiếp tục phát huy hiệu quả các nguồn vốn vay tín dụng chính sách, theo tôi NHCSXH và các ngành có liên quan cần chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Bên cạnh đó, NHCSXH tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi, các hoạt động kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay. Các địa phương, tổ chức đoàn thể thực hiện tốt việc bình xét cho vay, quản lý và hướng dẫn người vay sử dụng vốn có hiệu quả. Các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân nhằm hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra.
 
●Trân trọng cảm ơn ông!
 
Nguyễn Xuân (thực hiện)
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.