Multimedia Đọc Báo in

Thúc đẩy chăn nuôi theo công nghệ 4.0

09:38, 12/05/2019

Tập đoàn Hùng Nhơn (Bình Phước) đã bắt tay với Tập đoàn De Heus (Hà Lan) thành lập Công ty Cổ phần Phát triển heo giống cao sản Đắk Lắk DHN. Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn diễn ra vào ngày 10-4 tại Hà Nội trước sự chứng kiến của đại diện hai Chính phủ.

Dự án không chỉ thể hiện tình hữu nghị giữa hai đất nước mà còn được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá cho ngành chăn nuôi. Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trò chuyện với ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn về nội dung này.

°Những lý do mà Tập đoàn Hùng Nhơn chọn Đắk Lắk để đầu tư là gì, thưa ông?

- Hiện nay, giống heo tốt với năng suất cao và sạch bệnh ở trong nước nói chung và Đắk Lắk nói riêng khá khan hiếm, nhất là sau mỗi mùa dịch bệnh. Khi lựa chọn đầu tư về lĩnh vực sản xuất con giống, chúng tôi cân nhắc vấn đề môi trường chăn nuôi là ưu tiên số một để đưa ra quyết định đầu tư dự án. Qua quá trình khảo sát để lập dự án, tôi nhận thấy Đắk Lắk là một trong những khu vực có môi trường chăn nuôi khá lý tưởng như: thiên nhiêu ưu đãi, khí hậu ôn hòa, ít chịu ảnh hưởng, tác động bởi bão lũ, mật độ chăn nuôi thưa thớt, giao thông thuận tiện… Đây là những điều kiện phù hợp để chăn nuôi và sản xuất heo giống nhằm cung cấp cho các tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ cũng như hướng tới xuất khẩu ra các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, Đắk Lắk cũng là tỉnh có nhiều chính sách ưu đãi, chính quyền địa phương nơi đây luôn nỗ lực thực hiện công tác cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn nhà đầu tư.

°Ông có thể chia sẻ về quy mô cũng như các giai đoạn thực hiện dự án heo giống tại Đắk Lắk?

- Dự án có quy mô chăn nuôi 2.400 con heo cụ kỵ (GGP) và ông bà (GP), chia làm 4 giai đoạn, với tổng vốn đầu tư khoảng 22 triệu USD (tương đương 500 tỷ đồng). Sau khi dự án hoàn thành, đi vào hoạt động thì hằng năm sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 22.000 con heo ông bà (GP) và bố mẹ (PS). Điểm mới của dự án là áp dụng chăn nuôi công nghệ cao. Theo đó, quá trình chăn nuôi được tự động hóa bằng ứng dụng công nghệ 4.0 từ nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của De Heus đến từng cá thể heo được gắn chíp. Ngoài ra, với việc ứng dụng phần mềm vào quản lý trang trại giúp kiểm soát được thực trạng trang trại, sức khỏe vật nuôi, khẩu phần ăn, thời gian nuôi, thời gian sinh sản… của từng cá thể. Mặt khác, phần mềm còn giúp cho Công ty quản lý các loại chi phí đầu vào, đầu ra và từ đó tính được hiệu quả trong quá trình chăn nuôi. Đặc biệt, phần mềm còn có chức năng cảnh báo vấn đề xấu giúp quản lý trại, nhóm kỹ thuật của De Heus sẽ phân tích và đưa ra giải pháp xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời cho trang trại, thân thiện với môi trường. Đây là mô hình trang trại chăn nuôi đầu tiên ở Việt Nam được đầu tư hệ thống từ ban đầu và sử dụng điện năng lượng mặt trời phục vụ sản xuất. Với ưu điểm bảo vệ môi trường cũng như về lợi ích lâu dài, sử dụng điện năng lượng mặt trời sẽ có giá rẻ hơn các nguồn điện khác. Dự án còn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương… Và đặc biệt sẽ tạo ra nhiều chuỗi liên kết chăn nuôi với nông dân tỉnh nhà.

°Việc bắt tay với Tập đoàn De Heus sẽ mở ra những triển vọng gì cho ngành chăn nuôi nói chung cũng như dự án tại Đắk Lắk nói riêng thưa ông?

- Tập đoàn De Heus có kinh nghiệm trên 100 năm hoạt động trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi và hợp tác phát triển chăn nuôi đã thành công với nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, De Heus với phương châm “Không cạnh tranh với người chăn nuôi” mà chỉ hợp tác để tạo ra chuỗi giá trị chăn nuôi khép kín cùng với người nông dân Việt Nam. Việc bắt tay với De Heus sẽ tạo bước đột phá trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu cao về giống di truyền khỏe, sạch bệnh có năng suất sinh sản cao và chất lượng tốt để cung cấp ra thị trường Việt Nam, nhất là sau mỗi đợt dịch bệnh, người chăn nuôi rất cần heo nái thương phẩm có nguồn gene tốt để tái đàn. Việc De Heus và Hùng Nhơn cùng hợp tác triển khai thực hiện dự án tại Đắk Lắk sẽ tạo ra vùng chăn nuôi sạch bệnh, hướng đến xuất khẩu con giống ra các nước trong khu vực.

°Xin cảm ơn ông!

Lê Hương (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.