Multimedia Đọc Báo in

Hệ thống kênh mương và đường nông thôn là vấn đề cốt yếu để Ea Súp phát triển

09:05, 03/08/2019

Ea Súp là huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh. Vì vậy, các chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước có ý nghĩa rất lớn đối người dân nơi đây, nhất là ở các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống.

Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN VĂN ĐÔNG, Chủ tịch UBND huyện Ea Súp trong Chương trình “Dân hỏi - Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời”.

°Ông đánh giá thế nào về kết quả thực hiện các chương trình hỗ trợ của Nhà nước đối với các xã thuộc vùng khó khăn trên địa bàn huyện?

Những năm qua, nhờ phối hợp, lồng ghép hiệu quả các chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước nên các xã thuộc vùng khó khăn của huyện đã được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2019, huyện Ea Súp đã triển khai thực hiện các chương trình 135, 102, 2085, Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên… với tổng nguồn vốn khoảng 150 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gần 60 tỷ đồng, phát triển sinh kế hơn 80 tỷ đồng. Nhờ các nguồn vốn đầu tư này, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 36% (giảm 17% so với năm 2015); tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2018 của huyện đạt 19%/năm.

°Với đặc thù của địa phương mình, theo ông cần phải có giải pháp đột phá gì để giúp người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống?

Theo tôi, để giải quyết vấn đề này cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trước tiên là tăng cường nguồn lực đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi giúp nông dân chủ động được nguồn nước tưới, nâng cao năng suất cây trồng. Thứ hai, nâng cấp, xây dựng các tuyến đường giao thông, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Thứ ba, kêu gọi doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến trên địa bàn huyện để tiêu thụ nông sản cho người dân vùng đồng bào DTTS với giá cả ổn định.

Đường giao thông nông thôn ở xã Cư Kbang (huyện Ea Súp) được bê tông hóa khang trang.
Đường giao thông nông thôn ở xã Cư Kbang (huyện Ea Súp) được bê tông hóa khang trang.

°Xin ông cho biết thêm hiện nay việc xây dựng nông thôn mới tại các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đạt được kết quả như thế nào?

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Ea Súp đã có nhiều thay đổi tích cực. Cụ thể, toàn huyện đạt 99/171 tiêu chí, bình quân mỗi xã đạt 11 tiêu chí, phấn đấu đến năm 2020 xã Ea Bung đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, do đời sống người dân còn thấp, nguồn lực xây dựng nông thôn mới chủ yếu phụ thuộc vào bên ngoài nên việc xây dựng nông thôn mới tại huyện đang gặp nhiều khó khăn, thách thức như: toàn huyện chưa có xã nào đạt tiêu chí giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập bình quân đầu người của huyện chỉ mới đạt 23,5 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS vẫn chiếm từ 60 - 68%. Như tôi đã đề cập ở trên hệ thống kênh mương và đường nông thôn là vấn đề cốt yếu để huyện vùng biên giới Ea Súp phát triển, do đó rất cần Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.

°Xin cảm ơn ông!

 Như Quỳnh (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.