Multimedia Đọc Báo in

Quản lý hiệu quả tài nguyên, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững

06:29, 08/03/2020

Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường, siết chặt. Tuy nhiên để khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững vẫn còn không ít khó khăn, thách thức…

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông TRẦN ĐÌNH NHUẬN, Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài nguyên và Môi trường chung quanh nội dung này.

Xin ông cho biết những tiềm năng, lợi thế tài nguyên của Đắk Lắk trong phát triển nông nghiệp, công nghiệp?

Tỉnh Đắk Lắk có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, thuận lợi để phát triển ngành nông lâm nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp điện năng lượng tái tạo, du lịch. Về tài nguyên đất đai: có gần 630.000 ha đất nông nghiệp, trong đó hơn 50% là đất đỏ bazan rất thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao; hơn 700 ha đất các cụm công nghiệp, khu công nghiệp; hơn 10.000 ha đất có tiềm năng cho điện năng lượng tái tạo; gần 280.000 ha đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng với hệ sinh thái đa dạng. Về tài nguyên nước: có 3 hệ thống sông chính gồm: sông Ba, sông Sêrêpốk và sông Ea H’leo; hơn 150 suối lớn, hơn 700 hồ thủy lợi và 19 hồ thủy điện phân bố đều trên địa bàn tỉnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu nước tưới, nước nhu cầu sinh hoạt của các khu dân cư và phát triển công nghiệp. Về khoáng sản: có gần 300 điểm mỏ với 28 loại khoáng sản chủ yếu và hiện nay tỉnh đang tập trung khai thác vật liệu thông thường, cơ bản đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp và xây dựng trên địa bàn tỉnh. Đây là tiềm năng, là nguồn lực để  tỉnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng hiện tại cũng như trong tương lai.

Những năm gần đây, ngành Tài nguyên - Môi trường tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên trước sự đổi mới, phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, công tác quản lý về tài nguyên đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, ông có thể chia sẻ điều này?

Công tác quản lý tài nguyên được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, thể hiện qua việc ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, các chương trình, kế hoạch, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đồng bộ để đảm bảo cho công tác quản lý tài nguyên trên địa bàn, cùng với đó là đầu tư kinh phí cho ngành. Cụ thể, từ năm 2018, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết chuyên đề bố trí đủ 10% kinh phí nguồn thu từ đất đai cho công tác đo đạc bản đồ, lập hồ sơ cơ sở dữ liệu đất đai. Hệ thống tổ chức của ngành hiện nay cơ bản đã được kiện toàn. Song bên cạnh đó công tác quản lý tài nguyên trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng còn gặp nhiều khó khăn. Đó là hệ thống pháp luật về đất đai, khoáng sản, môi trường, nước còn nhiều chồng chéo, cần phải điều chỉnh - đây cũng là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến công tác cải cách thủ tục hành chính. Công tác điều tra cơ bản về tài nguyên nước, địa chất khoáng sản trên địa bàn tỉnh chưa được hoàn thiện; công tác đo đạc bản đồ địa chính chưa hoàn thành, đặc biệt là hệ thống cơ sở dữ liệu chưa xây dựng được, do đó chúng ta thiếu cơ sở, thiếu phương tiện phục vụ cho công tác quản lý tài nguyên. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị của ngành hiện nay chưa được đảm bảo; nhận thức của cộng đồng đối với trách nhiệm quản lý, bảo vệ tài nguyên cũng còn nhiều yếu kém; hiện tượng khai thác sử dụng nước, khai thác khoáng sản trái phép diễn ra mang tính phổ biến trên địa bàn…

Bờ sông giữa hai xã Ea Ô và Cư Elang (huyện Ea Kar) bị sạt lở do tình trạng hút cát.
Bờ sông giữa hai xã Ea Ô và Cư Elang (huyện Ea Kar) bị sạt lở do tình trạng hút cát.

Để quản lý hoạt động khai thác tài nguyên hiệu quả, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững của địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có những giải pháp gì thưa ông?

Hiện ngành Tài nguyên – Môi trường tỉnh đang xây dựng kế hoạch cho giai đoạn 2020 -  2025, theo đó đã đưa ra nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực; trong đó cần tập trung vào mấy vấn đề sau: Trước hết là rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh quy định về hạn mức giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, giá đất… theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, phù hợp với thực tiễn trong quá trình quản lý trên địa bàn tỉnh để tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong công tác thu hút đầu tư. Song song đó là cần tập trung điều tra cơ bản về tài nguyên nước, địa chất khoáng sản, đo đạc bản đồ, xây dựng cơ sở dữ diệu đất đai, trên cơ sở đó xây dựng phương án phân bổ, khoanh vùng về đất đai, phương án bảo vệ, quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản tích hợp vào quy hoạch của tỉnh. Đồng thời tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, tăng cường kết nối liên thông với các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước về tài nguyên; hoàn thiện tổ chức bộ máy, sắp xếp tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công theo tinh thần tăng cường xã hội hóa và tiến tới tự chủ chi thường xuyên; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và đặc biệt tăng cường xử lý khiếu nại tố cáo xung đột về đất đai, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Xin cảm ơn ông!

Lan Anh (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.