Multimedia Đọc Báo in

Huy động nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số

09:45, 02/08/2020
Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi cho khu vực này vẫn còn những bất cập, khó khăn.
 
Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với bà H’YÂO KNUL - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh chung quanh nội dung này.
 
°Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về hiệu quả thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?
 
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã ưu tiên nhiều nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào DTTS. Các chính sách dân tộc được thực hiện kịp thời, minh bạch, phù hợp với nhu cầu của người dân. Nhờ đó, những tập tục lạc hậu dần được xóa bỏ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng DTTS được nâng lên.
 
Đó là kết quả của việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư cho vùng DTTS. Cụ thể, Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020 được triển khai sâu rộng, đúng đối tượng, nội dung hỗ trợ và tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Với tổng kinh phí đầu tư hơn 487 tỷ đồng, đến nay toàn tỉnh đã xây mới và sửa chữa được 1.157 công trình, bao gồm đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học và các công trình thủy lợi.
 
Bên cạnh đó, Quyết định 102/2009/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn, Quyết định 54/2012/QĐ-TTg về chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất với các hộ DTTS đặc biệt khó khăn, Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn... cũng đã được các địa phương triển khai đồng bộ, qua đó tạo những chuyển biến tích cực cho vùng đồng bào DTTS của tỉnh.
 
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Krông Búk trao bò sinh sản cho người dân tộc thiểu số.
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Krông Búk trao bò sinh sản cho người dân tộc thiểu số.
°Bên cạnh những kết quả đã đạt được, những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ là gì, thưa bà? 
 
Đắk Lắk có nhiều thành phần DTTS cùng sinh sống, tập quán và trình độ phát triển không đồng đều, trong khi đó các chính sách hỗ trợ được thực hiện chung trong toàn quốc, chưa có chính sách đặc thù cho từng vùng nên số hộ nghèo vùng đồng bào DTTS ở tỉnh vẫn còn cao, số hộ thoát nghèo chưa bền vững. Cơ sở hạ tầng nhiều nơi xuống cấp, trang thiết bị y tế chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, tình trạng học sinh bỏ học vẫn xảy ra. Nguồn vốn đầu tư cho vùng đồng bào DTTS còn hạn chế, đào tạo nghề nông thôn chưa đem lại hiệu quả, chưa tạo sinh kế bền vững. Các vấn đề người dân bức xúc như: thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt chưa được giải quyết dứt điểm. Cùng với đó, một bộ phận người DTTS còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không chủ động vươn lên nên quá trình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ vẫn còn nhiều khó khăn.
 
°Từ thực tế đó, theo bà cần có những giải pháp nào để các chính sách hỗ trợ đạt hiệu quả cao nhất?
 
Theo tôi, để giải quyết vấn đề này cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trước tiên là đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước để đồng bào biết và tham gia giám sát quá trình thực hiện. Thứ hai, huy động nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo, tổ chức các lớp đào tạo nghề truyền thống, nghề xã hội cần nhiều lao động cho thanh niên DTTS. Thứ ba, chú trọng công tác khuyến nông, hướng dẫn đồng bào DTTS chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Ngoài ra cần biểu dương những tấm gương người DTTS tiêu biểu, đi đầu trên các lĩnh vực để nhân rộng các điển hình tiên tiến và nhân tố mới.
 
°Xin cảm ơn bà!
 
Như Quỳnh (thực hiện)
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.