Multimedia Đọc Báo in

"Buôn vui chơi, buôn ca hát": Sân chơi phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở thị xã Buôn Hồ

10:37, 06/02/2015
Thị xã Buôn Hồ hiện có 149 thôn, buôn, tổ dân phố; trong đó có 33 buôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với 29.592 nhân khẩu, chiếm 29,4% dân số toàn thị xã.

Những năm qua, với việc đẩy mạnh phong trào “Buôn vui chơi, buôn ca hát” đã tạo ra một sân chơi bổ ích, lành mạnh cho các tầng lớp nhân dân, nhất là người dân tại các buôn đồng bào DTTS trên địa bàn thị xã, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, tạo ra các hoạt động vui chơi văn hóa trong nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở, đồng thời thiết thực giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Để thực hiện tốt phong trào, một trong những hoạt động thiết thực được triển khai khá tốt trong thời gian qua đó là chú trọng bám sát cơ sở; thường xuyên cắt cử cán bộ phụ trách văn hóa xuống tận các buôn đồng bào DTTS để gặp gỡ, trao đổi với đội ngũ già làng, trưởng buôn để phối hợp tuyên truyền, vận động các nghệ nhân và đồng bào tham gia thành lập các đội văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao…; tranh thủ vận động kinh phí từ các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp và mọi nguồn lực đóng góp từ nhân dân để các buôn thường xuyên tổ chức duy trì tập luyện, chuẩn bị tốt các nội dung tham gia thi tài.

Đội cồng chiêng buôn Tring 2, phường An Lạc (3 lần đoạt giải Nhất trong các cuộc thi
Đội cồng chiêng buôn Tring 2, phường An Lạc (3 lần đoạt giải Nhất trong các cuộc thi "Buôn vui chơi, buôn ca hát") tham gia diễn xướng cồng chiêng tại Đại hội MTTQ Việt Nam thị xã Buôn Hồ lần thứ II.

Mặt khác, nhằm phục vụ đắc lực cho công tác sưu tầm, ghi chép những bài chiêng, những sinh hoạt văn hóa, âm nhạc gắn bó với cồng chiêng, góp phần bảo tồn và giữ gìn di sản văn hóa cồng chiêng, thị xã đã thường xuyên quan tâm tổ chức các lớp dạy đánh cồng chiêng cho các thế hệ trẻ, từ đó thành lập nên các đội đánh cồng chiêng ở các buôn và tổ chức cho các buôn tham gia thi đánh cồng chiêng với nhau, qua đó tạo khí thế thi đua, hứng khởi và động viên, khích lệ, thôi thúc niềm đam mê học đánh cồng chiêng trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ… Từ năm 2009-2013, trên toàn thị xã đã tổ chức được 5 lớp dạy đánh cồng chiêng cho gần 100 thanh, thiếu niên các buôn đồng bào DTTS; đặc biệt, trong số 33 buôn đồng bào DTTS của thị xã, đa số các buôn đều đã thành lập đội văn nghệ quần chúng và đội đánh cồng chiêng. Qua các năm thị xã cũng đã tổ chức được 5 hội thi “Buôn vui chơi, buôn ca hát” tại các xã: Cư Bao, Ea Đrông, Ea Blang và các phường: Đạt Hiếu, An Lạc. Các hội thi được tổ chức theo hình thức thi đối kháng hoặc thi luân phiên giữa hai, ba hoặc nhiều buôn với nhau và được Ban thẩm định đánh giá, trao giải thưởng theo thứ hạng nhất, nhì, ba… Nội dung thi đấu bao gồm các trò chơi dân gian truyền thống như: đi cà kheo đá bóng vào gôn, thi giã gạo, thi đẩy gậy, thi lảy ngô, thi đan gùi, thi rượu cần ngon… Xen lẫn với các trò chơi dân gian là các phần thi dân ca (hát Kứt, kể Khan, trường ca...), dân vũ, hát đơn, hát đối đáp, hát múa đông người, thi diễn tấu cồng chiêng...

Không chỉ góp phần quan trọng trong việc lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc mà phong trào còn mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Trong các ngày chủ điểm, các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước, việc tổ chức hội thi “Buôn vui chơi, buôn ca hát” còn được lồng ghép các tiết mục văn hóa, văn nghệ về chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi về quê hương, đất nước, xây dựng cuộc sống mới ở buôn làng và các nội dung tuyên truyền về các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, các văn bản pháp luật liên quan đến chính sách dân tộc và tôn giáo của Đảng và Nhà nước; đồng thời, phát động các phong trào thi đua yêu nước, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội… Đơn cử, tại Hội thi được tổ chức tại buôn Tring 2, phường An Lạc nhân dịp kỷ niệm 124 Ngày sinh của Bác, ngoài việc tranh tài với nhau qua các trò chơi dân gian, hát dân ca, đánh cồng chiêng... các buôn còn thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đồng thời lồng ghép tuyên truyền việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội dưới các hình thức dễ nhớ, dễ hiểu, như: đố vui có thưởng, ai nhanh hơn ai, đoán hành vi đúng - sai…

Có thể nói thông qua các hội thi “Buôn vui chơi, buôn ca hát” đã khơi dậy và tôn vinh những nét văn hóa đặc trưng của các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc. Qua các hội thi, đồng bào dân tộc được giao lưu, thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn, góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo không khí phấn khởi, cổ vũ, động viên và phát triển phong trào văn hóa – thể thao trong cộng đồng, đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất cải thiện đời sống, góp phần thực hiện tốt phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đồng thời, qua hội thi “Buôn vui chơi, buôn ca hát” cũng phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, sớm đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương đến với từng người dân ở cơ sở.

Hoàng Văn Tuấn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.