Multimedia Đọc Báo in

"Những cánh chim không mỏi" của ngành Điện ảnh Dak Lak

22:02, 19/02/2015

Thế hệ những người hoạt động trong ngành Điện ảnh Dak Lak từ sau ngày giải phóng đến nay thường được ví như “những cánh chim không mỏi”. Họ luôn tận tâm, nhiệt huyết với công việc, không chỉ để giữ lửa đam mê trong tâm hồn mình, mà còn phục vụ đời sống tinh thần cho người dân ở những vùng sâu, vùng xa…

Một đời tâm huyết với nghề

Ông Trương Thanh Bưởi (SN 1967) đã gắn bó với công việc chiếu bóng lưu động 31 năm, quãng thời gian đủ để nói lên sự tâm huyết với nghề. Ông kể: Năm 1984, ông bắt đầu làm công tác chiếu bóng lưu động ở huyện Krông Ana. Thấy nghề này khá thú vị nên sau đó, ông ra Hà Nội học lớp Kỹ thuật 3, Trường Điện ảnh Việt Nam (nay là Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội - PV). Kể từ đó, ông Bưởi gắn cuộc đời mình với ngành Điện ảnh Dak Lak.

Từ năm 2004 đến nay, ông Bưởi làm ở Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh với cương vị là Đội trưởng đội chiếu bóng lưu động số 1. Ông tâm sự: “Những năm 90 của thế kỷ trước, khi Nhà nước xóa bỏ bao cấp đối với ngành Điện ảnh, đã có rất nhiều đồng nghiệp cùng thế hệ với tôi về hưu sớm. Những năm đó, làm chiếu bóng vất vả lắm, nếu không yêu nghề, yêu công việc của mình đã chọn thì rất khó “trụ” được”. Ông Bưởi cho biết, mỗi năm trung bình Đội chiếu bóng lưu động số 1 của ông đi chiếu khoảng 100 buổi ở các thôn, buôn vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên ông quá quen thuộc cũng như thấu hiểu cuộc sống, khó khăn, thiếu thốn về vật chất, tinh thần của người dân. So với trước đây, bây giờ việc di chuyển của Đội bằng ôtô đỡ vất vả hơn rất nhiều. Tuy nhiên khi đến các xã vùng sâu vùng xa, hoặc nhiều thôn, buôn mà ôtô không vào được, anh em trong Đội vẫn phải khiêng, vác máy móc rất vất vả.

Những buổi chiếu phim lưu động luôn thu hút đông đảo người dân đến xem.
Những buổi chiếu phim lưu động luôn thu hút đông đảo người dân đến xem.

Kể về kỷ niệm gắn bó trong nghề, ông Bưởi không thể nào quên buổi chiếu phim tại buôn Triết, xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana) năm 1987. Mặc dù người dân trong buôn sống rải rác nhưng buổi tối hôm ấy, từ người lớn đến trẻ nhỏ trong buôn gần 200 người đều tới xem đông đủ khiến đoàn chiếu phim rất xúc động. Khi bật ánh đèn chiếu bóng lên thì đã thu hút muỗi và côn trùng bay đến như bầy ong vỡ tổ vây quanh lấy những người làm công tác chiếu phim. Những con muỗi rừng khá to, đốt không có cảm giác đau nhưng hút máu rất nhanh. Lúc đó ông Bưởi làm nhiệm vụ đứng quay cuộn phim trên máy chiếu, cũng là nơi phát ra ánh sáng nên càng bị muỗi “tấn công” nhiều hơn. Để việc trình chiếu phim phục vụ bà con không bị gián đoạn, ông Bưởi phải bẻ một cành cây để vừa đập đuổi muỗi vừa quay cuốn phim đều tay, giúp bà con có buổi xem trọn vẹn…

Luôn nỗ lực hết mình

Tiếp chúng tôi tại phòng làm việc của mình, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Nguyễn Hữu Tuyên không giấu nổi niềm vui xen lẫn tự hào khi kể về những năm tháng gắn bó với nghề: Những năm đầu sau ngày giải phóng ông được phân công làm Giám đốc Công ty Văn hóa tổng hợp, năm 2002 đổi thành Công ty Điện ảnh. Đến năm 2004 sau khi giải thể Công ty Điện ảnh, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 121/QĐ-UB thành lập Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng, là đơn vị sự nghiệp có thu, ông Tuyên được giao giữ chức vụ giám đốc Trung tâm từ đó. Với 38 năm gắn bó với nghề điện ảnh, trải qua bao năm tháng thăng trầm của ngành, ông Tuyên cùng với những anh chị em trong ngành luôn nỗ lực hết mình để làm tốt nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, góp phần nâng cao dân trí nhân dân. Theo ông Tuyên, thành công lớn nhất đối với ngành Điện ảnh Dak Lak là đến nay vẫn giữ được hoạt động thường xuyên của các đội chiếu bóng lưu động. Mỗi năm bình quân Trung tâm có khoảng 220 buổi chiếu bóng lưu động miễn phí phục vụ người dân các vùng nông thôn trong tỉnh, thu hút khoảng 300 lượt người xem/buổi, góp phần không nhỏ trong việc chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân; định hướng các hoạt động văn hóa cho cơ sở; giải quyết được nhu cầu giải trí của người dân vùng sâu, vùng xa mà các loại hình dịch vụ, văn hóa khác khó thay thế được.

Trong giai đoạn hiện nay, khi các loại hình nghệ thuật, giải trí phát triển đa dạng, cách thức truyền tải đến người xem cũng phong phú và thị hiếu của khán giả ngày càng cao, đòi hỏi ngành Điện ảnh Dak Lak phải liên tục đổi mới, có nhiều sáng tạo trong lĩnh vực của mình. Chính vì vậy, hằng năm, Trung tâm đã tăng cường những hoạt động về cơ sở như tổ chức giao lưu văn nghệ, hoạt động chào mừng ngày lễ, kỷ niệm của các địa phương, dạ hội điện ảnh… kết hợp với nhiều hoạt động từ thiện như trao quà của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp ủng hộ cho người nghèo, hộ neo đơn, gia đình chính sách trên địa bàn. Từ đó đã nhận được sự hưởng ứng và yêu mến của đông đảo người dân đối với ngành…

Với hoạt động chiếu phim có thu phí tại các rạp trong tỉnh, năm 2012, Dak Lak là tỉnh đầu tiên tại Tây Nguyên lắp đặt hệ thống máy chiếu bằng công nghệ HD tại rạp chiếu phim Kim Đồng, đến năm 2013 tiếp tục lắp đặt tại rạp Hưng Đạo và thường xuyên cập nhật những phim mới, chất lượng cao nhằm phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của khán giả. Với những nỗ lực không ngừng của ngành điện ảnh Dak Lak, mỗi năm hai rạp chiếu phim của tỉnh đã tổ chức khoảng 770 buổi chiếu phim, thu hút khoảng 335.000 lượt khán giả. Doanh thu của hai rạp khoảng trên 1 tỷ đồng/năm, được đánh giá là tỉnh có doanh thu tại rạp cao nhất so với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.