Multimedia Đọc Báo in

Những điều ít biết về Đại văn hào Nga Lev Tolstoy

11:11, 26/05/2016
Nói đến Đại văn hào người Nga Lev Tolstoy là nhớ đến bộ tiểu thuyết lừng danh "Chiến tranh và hòa bình". Lev Tolstoy hay Bá tước Lev Nikolayevich Tolstoy (1828-1910), là người theo chủ nghĩa hòa bình, nhà cải cách giáo dục, triết gia, người ăn chay, người theo chủ nghĩa vô chính phủ, tín đồ Cơ đốc giáo, nhà tư tưởng đạo đức, và thành viên có ảnh hưởng lớn của dòng họ Tolstoy.
 
Là một nhà luân lý, ông còn  nổi tiếng với tư tưởng kháng cự bất bạo động, được thể hiện xuyên suốt trong các tác phẩm của mình, tư tưởng này có ảnh hưởng không nhỏ tới những nhân vật quan trọng trong thế kỷ 20 như Mahatma Gandhi (Ấn Độ) hay Martin Luther King của Mỹ. Tuy nhiên, thân thế, sự nghiệp lẫn đời tư của đại văn hào vẫn còn nhiều điều chưa được biết đến…

1. Tolstoy là một người "nghiện" tự cải thiện mình

Lấy cảm hứng từ 13 đức tính của Benjamin Franklin (1706 - 1790, một trong những người sáng lập đất nước Hoa Kỳ) để viết trong cuốn tự truyện của mình, Lev Tolstoy đã tạo ra một danh sách dường như vô tận các quy tắc mà ông khao khát thực hiện; trong này có cả các quy tắc mà xã hội hiện đại vẫn đang áp dụng. Ví dụ, đi ngủ lúc 10 giờ tối và dậy lúc 5 giờ sáng, không ngủ trưa quá 2 tiếng, ăn vừa phải và tránh những thức ăn ngọt. Nhờ những quy định cải thiện mình mà Lev Tolstoy đã có tuổi thọ "vắt qua hai thế kỷ" và giúp ông bền bỉ trong cuộc đấu tranh lâu dài với chính "con quỷ cá nhân". Ông cũng tự khuyên bảo mình bỏ qua những thói quen cờ bạc khi còn trẻ. Bắt đầu từ cuối giai đoạn tuổi thiếu niên, Lev Tolstoy thường xuyên mang theo tạp chí Daily Occupations (Nghề nghiệp Nhật báo), từng phút suy nghĩ kế hoạch công việc cho ngày hôm sau.

2. Vợ Lev Tolstoy giúp ông rất nhiều để hoàn thành "Chiến tranh và Hòa bình"

Năm 1862, khi Lev Tolstoy 34 tuổi, ông đã kết hôn với Sophia Behrs (18 tuổi), con gái của một bác sĩ chỉ vài tuần sau khi hai người gặp nhau. Cùng năm đó, Tolstoy bắt đầu viết tiểu thuyết "Chiến tranh và hòa bình", hoàn chỉnh dự thảo đầu tiên vào năm 1865. Lev Tolstoy đã tiến hành sửa đổi bản thảo liên tục với sự giúp đỡ nhiệt tình của vợ. Bà Sophia đã trực tiếp viết lại các bản thảo qua mỗi lần sửa lại bằng tay, đôi khi phải dùng kính lúp để giải mã chữ viết của chồng vì chữ khó đọc. Trong suốt 7 năm sau đó, Sophia Behrs đã viết lại toàn bộ bản thảo tới tám lần (có một số đoạn phải sửa tới gần 30 lần mới xong).

 

3. Giáo hội Chính Thống Nga đã rút phép thông công của Lev Tolstoy

Sau khi công bố thành công tiểu thuyết “Anna Karenina” vào những năm 1870, Lev Tolstoy ngày càng khó chịu với giai cấp quý tộc của mình, trải qua một loạt các cuộc khủng hoảng tình cảm và tinh thần mà cuối cùng gây suy giảm niềm tin tôn giáo. Lev Tolstoy từ chối tham gia các nghi lễ tôn giáo và bắt đầu phơi bày vai trò hai mặt của Nhà nước và các khái niệm về quyền tài sản.... Tất cả những điều này làm cho Lev Tolstoy phải đối mặt với hai thế lực mạnh nhất của Nga hồi đó. Mặc dù ông là dòng dõi quý tộc, Chính phủ Sa Hoàng vẫn đặt Lev Tolstoy dưới sự giám sát của cảnh sát, còn Giáo hội Chính Thống Nga đã rút phép thông công của ông vào năm 1901.

4. Lev Tolstoy truyền cảm hứng cho thế hệ sau

Trong khi các nhà lãnh đạo tôn giáo và Hoàng gia Nga làm mọi cách để giảm bớt sự nổi tiếng và ảnh hưởng của Lev Tolstoy thì Tolstoy lại nổi danh hơn bao giờ hết,  bắt đầu thu hút ngày càng nhiều đức tin mới; trong đó có cả những người theo trường phái hòa bình, ôn hòa lẫn người vô chính phủ Kitô giáo và cả nhóm chủ trương sống khổ hạnh về mặt đạo đức và vật chất. Những “fan” hâm mộ Lev Tolstoy được dư luận gọi là những người theo Lev Tolstoy (Tolstoyans) đã chuyển đến ở gần với tác giả để được "khai sáng" tinh thần, những người này đến từ Nga và khắp nơi trên thế giới. Nhiều người chỉ sống gần Lev Tolstoy một thời gian ngắn nhưng ảnh hưởng của Tolstoy đối với họ vẫn còn tồn tại mãi về sau. Trong số những người bị ảnh hưởng bởi niềm tin xã hội của Tolstoy có  Mahatma Gandhi, người đã thành lập một thuộc địa mang tên Lev Tolstoy ở Nam Phi và coi Lev Tolstoy là tác giả tạo ra sự tiến hóa tâm linh và triết học cho bản thân ông, đặc biệt là lời dạy của Tolstoy về đấu tranh với cái ác bằng phi bạo lực.

Nguyễn Khắc Nam

(Theo HC-2/2016)


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.