Multimedia Đọc Báo in

Vẻ đẹp của người phụ nữ Nga trong tiểu thuyết "Chiến tranh và hòa bình" của L.N.Tolstoi

11:14, 28/06/2016

L.N.Tolstoi (1828-1910) là một trong những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời văn học hiện thực Nga thế kỷ thứ XIX. Ông được coi là “nghệ sĩ vĩ đại”, “người khổng lồ”, là “nhà văn vô song trên toàn châu Âu”, là “tấm gương phản chiếu cách mạng Nga”.

Cống hiến lớn nhất của nhà văn L.N.Tolstoi trong nghệ thuật là khám phá những bức tranh nội tâm sinh động, phong phú, kỳ diệu ở mỗi con người. Trong hơn 60 năm cầm bút và lao động sáng tạo nghệ thuật. L.N. Tolstoi đã để lại di sản văn học đồ sộ với hàng trăm truyện ngắn, kịch, khảo cứu, văn chính luận và đặc biệt là bộ tiểu thuyết có giá trị lớn “Chiến tranh và hòa bình” – một kiệt tác đã góp phần làm cho ông  trở thành “con sư tử của văn học Nga”.

Trong tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình”, chúng ta dễ dàng thấy được vẻ đẹp của lòng thủy chung, nhân hậu, sự hy sinh cho gia đình, tình yêu và sự đóng góp hết sức mình cho cuộc chiến tranh nhân dân của nhân vật Natasha - người hội tụ đầy đủ những vẻ đẹp phụ nữ Nga lúc bấy giờ. Một người phụ nữ không chỉ đẹp về hình thức mà còn hội tụ cả vẻ đẹp của phẩm chất tâm hồn cao quý. Vẻ đẹp thủy chung nhân hậu là vẻ đẹp cao quý nhất của cô gái Natasha. Tâm hồn giàu tình yêu người và yêu cuộc sống của nàng đã giúp cho nhiều người trở về và tin yêu cuộc sống. Natasha trong sáng như một tấm gương, để rồi ai mà gần gũi với nàng sẽ thay đổi bản thân để trở nên tốt hơn. Vẻ đẹp của sự thánh thiện thì luôn có sức cảm hóa và lan tỏa.

 L. N. Tolstoi ca ngợi nét cao quý nhất trong tâm hồn của Natasha là lòng yêu nước chân thành. Nàng đã thuyết phục cha mẹ dành xe để chở thương binh. Nàng trách mẹ coi trọng tài sản hơn tính mạng của những người lính. Natasha biết nỗi đau của dân tộc. Lòng yêu nước của nàng dù chưa được ý thức một cách sâu sắc mà nó chỉ mới xuất phát từ tình thương và lòng nhân ái sẻ chia nhưng đó là sự chân thật, nó bộc lộ bằng hành động chứ không xảo trá như người anh rể Bec hay vô tâm tới mức không hề đả động gì đến vận mệnh của đất nước như những cô gái khác trong tác phẩm như Êlen, Xônhia...

Có thể nói Natasha là nhân vật được Tonstoi yêu quý và dành cho nhiều tình cảm ưu ái nhất trong tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình”. Tác phẩm được sử dụng giọng văn trân trọng ngợi ca, Tolstoi đã ca ngợi vẻ đẹp của nhân dân Nga, trong đó có vẻ đẹp của những người phụ nữ Nga mà tâm hồn và tính cách của Natasha là một điển hình. Đồng thời tác giả còn thể hiện quan niệm và lý tưởng đạo đức về người phụ nữ chân chính. Ngòi bút của L. N. Tolstoi tỏ ra sắc sảo khi ông diễn tả thế giới tâm hồn khá tinh tế, nhạy cảm của các nhân vật nữ. Ông nắm bắt được những diễn biến tâm lý phong phú của Natasha qua ba quãng đời của nàng: Cô gái nhí nhảnh hay chạy – cô thiếu nữ duyên dáng đầy sức quyến rũ – và người mẹ hiền của bốn đứa con. Ở quãng đời nào, độc giả cũng đều bị Natasha lôi cuốn bởi những phẩm chất đáng yêu của nhân vật. Nét nổi bật của Natasha là tình cảm bộc trực, tươi tắn, không quen với những suy tưởng lý trí. Và cũng qua lời kể của L.N.Tonstoi, Natasha trở thành cô gái Nga rất mực hồn nhiên, đầy lòng tin yêu vào cuộc sống. Tâm hồn nàng luôn bay bổng, đầy ước mơ. Vẻ tươi trẻ, yêu đời của Natasha có sức lan tỏa đối với các nhân vật khác trong tác phẩm. Sự hồn nhiên ấy được bộc lộ trong giọng hát mộc mạc, trong những giây phút hồi hộp của nàng - cô gái mười tám tuổi lần đầu tiên đi dự vũ hội. Natasha sống chân thực, không kiểu cách, không giống như những quý tộc cùng giới. Đúng như những lời nhận xét của Andray “cô Roxtova rất dễ thương”. Natasha là hiện thân của những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Natasha mang trong mình cốt cách dân tộc “cái tinh thần và phong cách thuần túy của dân tộc Nga”. Nàng là người hội tụ nhiều phẩm chất tốt: vẻ đẹp thủy chung nhân hậu, yêu đời phóng khoáng và là người phụ nữ giàu đức hy sinh. Với hình tượng nhân vật Natasha, tác giả đã bộc lộ rõ quan điểm của mình về người phụ nữ đẹp chân chính. Đúng như nhà văn từng nói: “người ta đẹp vì đáng yêu chứ không phải đáng yêu vì đẹp”.

Nguyễn Thị Kim Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.