Multimedia Đọc Báo in

Láng giềng gần

08:13, 21/08/2016
Ngay hôm chuyển về nhà mới, ông đã mất ngủ. Sau một ngày bừng bê, khuân vác, tưởng đặt lưng xuống là đẩy một giấc tới sáng, đâu dè… Ông vừa thiu thiu, bỗng giật mình bởi tiếng nói cười rần rật từ ngôi nhà phía sau.
 
Nghe giọng nói, ông đoán nhà ấy đông con, sàn sàn một lứa choai choai. Dù qua hai lớp tường và khoảng cách hơn mét nhưng ông nghe rõ bọn trẻ kể cho nhau chuyện ở quán cà phê, quán nhậu, ở đại lý vé số, bãi rác rồi hỏi nhau về thu nhập trong ngày. Chốc chốc lại có tiếng gọi cửa cùng bước chân hối hả, liền đó là tiếng cửa sắt rin rít nghiến xuống nền xi măng lẫn trong tiếng con chó hực hực. Chuỗi âm thanh ấy kéo dài đến khi phố vắng khiến ông quá giấc, mãi mới ngủ lại được.

Tầm năm giờ, bọn trẻ nhà ấy đã thức. Chúng giành nhau đi vệ sinh rồi cãi nhau vì nhầm mũ, lộn dép. Chẳng cần biết mọi người xung quanh đang ngon giấc, chúng nói cười vô tư như ở chốn không người. Sau lúc ồn ào, bọn trẻ rời nhà khi trời hửng sáng. Hôm sau và nhiều hôm sau nữa, điệp khúc ấy vẫn lặp lại. “Lẽ nào bố mẹ chúng không biết con mình làm phiền láng giềng? Những người ở cạnh sao cứ mũ ni che tai? Tổ trưởng dân phố cùng các đoàn thể đâu mà không chấn chỉnh gia đình nhí nhố kia?”. Ông tự vấn nhưng không tìm được lời đáp; buồn bực bị nén lại khiến người ông bốc hỏa. Nói cho đúng, thỉnh thoảng có nghe tiếng một bà cụ nhắc bọn trẻ đi nhẹ nói khẽ nhưng bớt bớt được một lúc rồi đâu lại vào đấy; lời nhắc nhỏ bị chìm giữa mớ âm thanh hỗn độn. “Nhất định phải làm việc với chủ nhà này!”- ông nung nấu.

 					            	Minh họa:  Trà My
Minh họa: Trà My

Ông chưa kịp “làm việc” với nhà phía sau thì khó chịu lại đến từ khu nhà trọ kế bên. Vẫn là âm thanh ồn ào nhưng không giống “dàn đồng ca” của bọn trẻ, đây là giọng “độc diễn” quá cỡ của người phụ nữ từ quê lên phố trông cháu. Mới tới, chị đã xáp vô bắt chuyện với người xung quanh, cứ tự nhiên như thân nhau từ kiếp trước. Chẳng mấy bữa, chị đã cập nhật “tình hình địa bàn” có lẽ chẳng thua cảnh sát khu vực là mấy; nào là vợ chồng ở cuối dãy trọ cưới đã năm năm vẫn chưa có con; nhà đầu hẻm vừa bán một tỷ bảy; quán cà phê đằng kia mới mất xe AB…Với eo chum phục phịch và chân tay chắc nịch, với “khuôn trăng” dư sức đầy đặn cùng nước da đậm màu nắng khiến chị thành nỗi sợ của mấy đứa trẻ xung quanh. Đứa nào khóc mà thấy chị trợn mắt, giả giọng uồm uồm là co rúm như gà con gặp quạ rồi nín bặt. Ông dị ứng nhất là cách nói chuyện rổn rảng của chị này, mở miệng là oang oang như cãi nhau. Mỗi khi chị la con mắng cháu, ông lại lắc đầu nhăn mặt; dù đã cách tường nhưng mấy lỗ thông gió đưa mớ âm thanh lúc rin rít như kim khí cọ nhau, khi lại the thé như xé vải, nghe rát cả tai! Gặp nhau nơi ngõ, ông góp ý nhỏ: “Ở tập thể, chị nên nói vừa thôi”. Chị ta cười cười, vẻ ngạc nhiên rồi đáp lại bằng giọng bỡn cợt: “Dân biển chúng em ăn sóng nói gió quen rồi, bác ạ. Thế bác bảo nói vừa là bao nhiêu thì cho biết để em điều chỉnh?”. Ông trừng mắt, nặng mặt, bỏ vô nhà.

Ồn ào, láo nháo không chỉ đến từ phía sau và kế bên mà còn từ ngôi nhà của đôi vợ chồng trẻ phía đối diện, hơi chếch bên trái nhà ông. Dăm bữa nửa tháng, vợ chồng nhà ấy lại cãi nhau, lắm hôm chồng xách cây rượt vợ chạy trối chết, vừa chạy vừa kêu la như bị cắt họng. Tầm sẩm tối, cứ nghe cái giọng nhừa nhựa như dính vào nhau trong hơi men của anh chồng thợ xây ấy, ông lại cảm thấy bất an. Những cuộc đấu võ mồm của vợ chồng nọ luôn có xu hướng leo thang và tán phát ra ngoài làm láng giềng điếc tai nhức óc. Điệp khúc ấy lặp lại dài dài khiến những người ở gần cũng hết kiên trì can ngăn.

Riêng người phụ nữ trong khu trọ có nước da hệt Bao Hắc tử có vẻ bứt rứt trước cảnh lục đục của vợ chồng nọ. Mỗi khi nhà ấy “mở đài” “tăng âm”, chị lại đi ra đi vô rồi than vãn giữa trời: “Khổ!”; “Sao lại thế nhỉ?!”… Nhiều lần chị vào vai thuyết khách nhưng bị anh chồng mặt đỏ phừng phừng gạt phăng: “Việc nhà tôi, cấm xía vô!”. Chị lủi thủi về, lát sau lại qua, khoanh tay đứng im, ý chừng sẵn sàng ứng phó tình huống xấu. Và quả đúng thế, hôm chồng ra đòn với vợ, chị nhảy vô can. Cô vợ tội nghiệp co rúm sau tấm lưng chắc như bàn thạch của người láng giềng; kẻ vũ phu xáp tới, miệng gào như điên dại: “Tránh ra! Tránh ra!”. Hiệp sĩ bất đắc dĩ vẫn không nhúc nhích, giọng bình thản: “Anh thôi đi!”. Anh ta lảo đảo, người yếu như con bún tươi nhưng vẫn cố lấn tới. “Thôi nè!”- anh ta nhảy vô, tay giáng xuống người đối diện. Chị né ngang khiến kẻ ra đòn mất đà, ngã sấp xuống mặt đường.

Chờ cho kẻ ấy lồm cồm bò dậy, chị chỉ mặt, dằn giọng: “Đánh vợ là hèn!”. Nói rồi, chị đưa cô vợ đang xanh xám mặt mày về phòng trọ của mình và gọi công an. Sau vụ ấy, kẻ làm chồng kia không dám “dạy” vợ bằng… tay nữa nhưng vẫn phun những lời cay độc hằng đêm, sau những cuộc nhậu.

“Sống ở đây không tâm thần thì chắc cũng tổn thọ!”- ông cay đắng nghĩ. Bỏ cả cục tiền mua đất cất nhà, những mong có chỗ ở đàng hoàng nhưng cứ sống bất an thế này thì khác nào mua dây buộc mình. “Đòn tra tấn vô hình” đến từ láng giềng đã khuấy động sự bình yên trong nhà; từ bực dọc với xung quanh, ông chuyển sang cau có với vợ. Trước khi “định vị” tại đây, ông bảo vợ tìm khu nào có an ninh tốt, khu công chức hay trí thức càng tốt. Nhưng bà nhất quyết chọn chỗ này; với lý do, phía nam được ví như đầu rồng của thành phố nên vượng, nhà hướng tây lại hợp tuổi ông. Hợp mà sống dở chết dở thế này thì khác nào tự đày đọa mình! Nhìn chồng ta thán, đưa tay chỉ quanh xóm rồi nhăn mặt, bà xoa dịu: “Ở đâu cũng có người tốt kẻ xấu. Vả lại, biết đâu họ đáng thương đáng quý nhưng mình chưa hiểu hết”. Ông vẫn lắc đầu nguầy nguậy, giọng như rên: “Chịu hết nổi rồi, bà lo mà chuyển nhà đi!”. Bà tròn mắt nhìn chồng, ngơ ngác lẫn buồn bực: “Ơ hay, chuyện nhà đất sao ông nói đơn giản như mua bó rau con cá?!”. Liền đó, bà bao vây khống chế ý muốn của chồng bằng cách đưa ra những khó khăn xung quanh khoản “đầu tiên” - tiền đâu, nào là tiền vay chưa trả hết, sổ đỏ đang thế chấp ở ngân hàng, tiền công thợ nề chưa thanh toán xong... Ông khoát tay, ý chừng không muốn nghe.

Ngay hôm sau, ông gia cố cổng cửa để chống ồn giống như người ta be bờ khi sống chung với lũ. Cửa nhà ông đóng im ỉm ngày đêm, cả những ngày hè hừng hực cũng không hé ra đón gió. Bà mở cửa, ông lại đóng vào; chỉ mỗi việc ấy mà hai người cũng lời qua tiếng lại. 

Với láng giềng, ông chẳng trò chuyện, qua lại thăm hỏi càng không. Khi được mời góp tiền cúng tất niên khu phố, ông xua tay. Sau cúng, láng giềng ngồi lại góp ý cho nhau những điều hay dở rồi quây quần bên mâm cơm. Trong khi mọi người mở lòng hả dạ thì cổng nhà ông vẫn đóng. Những tiếng “dzô, dzô” liên hồi đem lại sảng khoái cho ai đó nhưng như đám mũi nhọn đâm vào ông. Sau tiệc vui là ca hát, với loa đài tăng âm hết cỡ. Ông đi ra đi vô, nhìn những người láng giềng ham vui quên cả giờ giấc bằng ánh mắt “hình viên đạn”.

Với con, ông chẳng cho chơi với bọn trẻ cùng phố. “Dây vào bọn láo nháo ấy chỉ có thiệt thân!” - ông thường bảo thế. Thằng bé học lớp 10 nhiều lần đứng sau cổng sắt, nhìn các bạn đá banh, đá cầu hay chơi trò trốn tìm, vẻ thèm muốn. Có bữa nó trèo cổng chui ra, trầy xước te tua, bị ông nện cho kêu trời. Ông muốn ngày ngày đưa đón con đi học để khỏi phập phồng lo nhưng bà không chịu; lý do: “Không thể cầm tay con dắt mãi qua đường”. Vậy nên, mỗi lần con đạp xe đi, ông lại nóng lòng dõi theo; nó về, mới yên tâm.

Sau lần can dự của bà ở trọ lắm lời bên cạnh, bất hòa của đôi vợ chồng trẻ trước nhà ông có phần hạ nhiệt nhưng những đêm không ngủ của nhà phía sau tăng lên. Những tiếng nói cười thả cửa hay cãi nhau chí chóe của bọn trẻ nhà ấy khiến ông giật mình, thức giấc hằng đêm. Những tối ti-vi truyền trực tiếp bóng đá châu Âu là y rằng ông có đêm trắng lê thê. Tầm một, hai giờ sáng, ông đang ngon giấc thì bị dựng dậy bởi những tiếng hét “Vào! Vào!” cùng tiếng đập bàn rầm rầm. Nếu không bóng đá, chúng chuyển qua “chương trình văn nghệ”, đêm khuya vẫn văng vẳng lời ca não lòng “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào…”; “Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn…”. “Hết chịu nổi với nhà này rồi!”- ông muốn hét lên.

Ông phải đi vòng khá xa để đến ngôi nhà sau nhà mình. Bà cụ chủ nhà đang hoay loay nhen bếp than tổ ong trước sân, ngỡ ngàng nhìn khách. Nghe ông giới thiệu, bà bắc ấm nước lên bếp rồi mời vô nhà. Bà cụ tầm bảy mươi, nhìn những tấm hình bà chụp với học sinh treo trên tường đã cũ, ông đoán bà nguyên là nhà giáo. Qua câu chuyện, ông biết bọn trẻ làm ồn mỗi đêm chẳng phải con cháu nhà này. Chúng lang thang bán báo, đánh giày, nhặt ve chai, bán vé số; bà gặp chúng vạ vật nơi gầm cầu hay mái hiên nào đó và đưa về đây che chở; biến nhà mình thành mái ấm tình thương cho những mảnh đời bất hạnh.

Thấy ông nhìn ấm nước đang reo, bà nói khẽ: “Phải đun nhiều nước mới đủ cho bọn trẻ đổ bình mang theo”. Chuyện trò một lúc, bà trải lòng: “Tuổi già sống trong ồn ào cũng mệt nhưng thương các cháu bươn chải mưu sinh nên tôi chẳng quản, chú ạ”. Bà nhìn ông, khơi gợi sẻ chia: “Các cháu đi sớm về khuya, chắc cũng phiền xung quanh, mong chú thông cảm”. Ông khẽ “vâng”, cảm thấy hổ thẹn khi nhìn bà; lại thấy may khi chưa tỏ bày bực tức.

Trên đường về, ông nhận điện thoại từ trạm y tế phường; lúc đầu tưởng nhầm nhưng không. Nghe giọng gấp gáp của người gọi, ông linh cảm chuyện chẳng lành. Vừa bước vào phòng khám của trạm y tế, ông khựng lại, chân tay bủn rủn khi thấy con trai nhăn nhó với xây xước đầy người, áo quần xộc xệch. Thoáng thấy ba, thằng bé khẽ kêu lên, ngước nhìn bằng đôi mắt ngấn nước. Cạnh đó, người phụ nữ lắm lời ở trọ gần nhà cũng mặt sưng, tay trái băng trắng toát. Hốt hoảng nhìn chiếc xe đạp của con bẹp dúm ở góc sân, ông nghĩ ngay đến tai nạn. Lờ mờ đoán căn nguyên sự vụ và cả thủ phạm, ông nhìn thẳng mặt người láng giềng, lớn tiếng: “Chị đã làm gì thằng bé!?”. Đáp lại vẻ hằm hằm của ông, chị xua tay lắc đầu, ú ớ không cất nên lời bởi môi sưng vù. Anh bác sĩ đang băng vết thương cho chị dừng tay, nhìn ông, nghiêm giọng: “Anh phải cảm ơn chị ấy!”. Ông ngơ ngác…Thì ra, khi thằng bé qua ngã tư thì bị một thanh niên vượt đèn đỏ đụng vào. Vừa lúc chị ở cạnh nhà tới, phóng xe lao theo chặn kẻ gây tai nạn nên bị hắn tông ngã, bỏ chạy. Vết thương đầy mình nhưng chị vẫn cố đưa con ông tới trạm y tế phường gần đó.

Ông bối rối nhìn người phụ nữ láng giềng; lúc lâu mới cất giọng lí nhí: “Tôi xin lỗi chị”. Người kia đáp lại bằng ánh mắt bao dung thay cho lời nói.

Nguyễn Trọng Hoạt


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.