Multimedia Đọc Báo in

Những trò chơi của bọn trẻ làng

15:25, 23/04/2017

Những trò đùa của lứa tuổi “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” ngày ấy (mà bây giờ mọi người gọi là tuổi Teen) thật cũng lắm điều để nói.

Thời nào cũng vậy, tuổi thơ đều nghịch ngợm, thậm chí phá phách đến “trời cũng phải sợ”. Có điều, hình như trời cũng thương lũ trẻ hay sao mà nếu những trò nghịch ngợm của chúng, khi người lớn nhìn vào thấy phát hoảng, lo đến đứng tim, vậy nhưng bọn trẻ chẳng hề bị làm sao cả...

Trèo cây hái quả hoặc bắt tổ chim non thì chúng leo lên tận chót vót ngọn cao mà chẳng hề ngã; thậm chí ngọn cây có gãy thì chúng cũng “nhảy dù” xuống đất một cách an toàn. Buổi trưa, chơi trò đánh trận giả, đuổi nhau huỳnh huỵch trong vườn tre đầy những cành khô lá mục, gai góc tua tủa, nhưng ít khi bị gai cào, mảnh chai đâm. Thậm chí có dẫm phải mảnh chai thì ngồi xuống nặn cho máu chảy le lua ra rồi lại chạy tiếp, chơi tiếp, để máu tự đông, vết thương tự lành. Chơi chán, rủ nhau đi tắm ao, tắm sông, cả bầy lít nhít hàng vài chục đứa từ năm, sáu đến mười bốn, mười lăm tuổi cùng trèo lên ngọn cây nhảy ùm xuống nước rồi bơi, đạp, lội ra nơi rõ sâu, nhưng chẳng đứa nào bị chết đuối, ngạt nước. Nếu chẳng may có đứa nào bị chìm thì cả bầy oai oái hò nhau cùng lội ra lôi cái thân hình đang sặc sụa nước kia vào bờ. Tức nhau chuyện gì, giải quyết bằng việc chia thành hai phe rồi lượm hàng đống đất đá, gạch vụn làm “đạn” để ném vào nhau. Ném nhau thật sự, “uýnh” nhau thật sự chứ không phải đùa. Vậy nhưng, cũng chỉ một, hai đứa sưng đầu vêu trán sơ sơ, chứ không đứa nào phải đi nằm nhà thương. Nhưng có một thứ mà đứa nào cũng sợ, ấy là những chiếc roi tre của các ông bố, bà mẹ quất vào mông, mỗi khi có đứa nào đó chơi trò xấu bẩm thưa, đơm đặt.

Lớp tuổi thơ của làng ngày ấy nghịch ngợm gấp nhiều lần tuổi thơ ngày nay. Đứa nào đứa nấy đều trùng trục và đen nhẻm như cục đất nặn, ham chơi đến quên cả làm bài tập cô giáo cho về nhà. Tan buổi học, nếu chưa phải về giúp bố mẹ nhổ mạ, gánh phân là từng nhóm lại rủ nhau quẳng sách vở trên vệ cỏ, sục xuống ruộng tát cá, hoặc chia phe đá bóng. Trái bóng là quả bưởi được hơ trên lửa cho mềm, hoặc là cục lá chuối khô được bện, tết cho tròn thành trái bóng to nhỏ tùy ý. Vậy mà cũng vui ra trò. Bên nào thua phải chịu “ăn đít bọ nẹt”. Bọ nẹt là con kiến to, sống đơn lẻ và thường ở mỗi con một hố dưới bãi cỏ, có nọc nên đốt rất nhức, có khi nổi mẩn đỏ. Bắt con bọ nẹt vặt đầu rồi cầm thân dí đít nó vào cổ kẻ thua cuộc. Nọc độc của kiến đâm phập vào da thịt, đau như ong đốt. Bên thua thì kêu oai oái, xoa rối rít lên chỗ bọ nẹt đốt; bên thắng thì cười ngả nghiêng trên cỏ. Tuy nhiên, đứa nào cũng biết làm giảm đau bằng cách thấm nước bọt vào đầu ngón tay rồi xoa vào vết kiến đốt, đỡ nhức được đến sáu, bảy phần.

Trong xóm ngày ấy nhà bà cụ Xán có khu vườn khá rộng và cái ao khá lớn. Vườn có rất nhiều cây sắn (là loại cây thân gỗ cao đến cả chục mét, vỏ thường được giã nhuyễn, trộn với nhựa để sơn thuyền). Mùa hè, sắn ra hoa kết trái chín mọng từng chùm, ăn rất ngọt. Chiếc ao rộng đến tám trăm mét vuông, nước trong xanh, trên bờ có cây sung uốn hình con rồng sà xuống mặt nước – là nơi lý tưởng cho bọn trẻ tắm táp và chơi trò nhảy cầu. Đặc biệt lý thú là ở lối cổng xuống ao còn có cây thuốc cái (chẳng hiểu sao nó có cái tên như vậy) cũng ra quả vào mùa hè. Khi quả cây già có hạt rất rắn, được bọn trẻ dùng làm đạn súng hóp để chơi trận giả. Buổi trưa, nơi đây thật sự náo nhiệt. Lũ trẻ tha hồ trèo lên ngọn sắn cao chót vót hái từng chùm quả chín mọng, màu tím như quả mồng tơi, cho vào miệng nhai khẽ cho vị ngọt lịm tan vào cuống họng. Ăn chán, miệng đứa nào đứa ấy sẫm một màu tím lịm, chúng lại trèo lên cây thuốc cái hái quả bỏ đầy hai túi quần và bắt đầu chơi trò đánh trận giả. Súng là những đoạn thân cây hóp (một loại tre nhỏ) cưa rỗng hai đầu làm thân súng. Đoạn khác là chiếc đầu mặt (đốt hóp) có cắm một que tre như chiếc đũa. Khi “bắn” thì nhét quả thuốc cái vào lỗ súng rồi dùng nòng thúc mạnh. Một tiếng “đọp” khá vui tai nổ giòn tan và viên đạn bay vèo về phía kẻ... bị bắn. Đứa nào trúng đạn, coi như đã “chết”. Bên nào “bắn” được nhiều “địch”, coi như thắng trận. Ăn quả sắn phễnh bụng, chơi đánh trận giả chán chê, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, cả bọn vơ áo lau qua quýt rồi cùng cởi truồng tồng ngồng leo lên cây sung nhảy tùm xuống ao để tắm. Đứa lớn thì bơi sang bờ bên kia hái hoa súng hoặc bắt chuồn chuồn ngô, chuồn chuồn ớt; đứa không biết bơi thì lội ở gần bờ, chơi trò té nước vào nhau; đứa năm, sáu tuổi thì lội nước đến rốn rồi đập đập hai tay rối rít... Cả tốp gần năm chục đứa la hét ỏm tỏi làm náo động cả một góc xóm. Cũng lạ, ở thời ấy sao người lớn tôn trọng trẻ con đến vậy, trẻ em được tự do đến vậy! Khu vườn nhà cụ Xán bị lũ trẻ đạp nát, cây cối xác xơ, mặt ao đang trong xanh bỗng bị khua đục ngầu; vậy mà chẳng ai la, ai cấm. Các bà các bác ngồi trên bờ ao phe phẩy quạt mo, nhai trầu bỏm bẻm nhìn lũ trẻ nô đùa. Chỉ thỉnh thoảng mới có người hò với xuống, nhắc một đứa nào đấy chưa biết bơi mà dám lội ra chỗ nước sâu…

Hình như cái câu: “Yêu trẻ - trẻ đến nhà, mến già - già để tuổi cho” ở thôn quê ngày ấy vẫn còn thiêng liêng lắm!

Đêm làng quê

Đinh Hữu Trường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.