Multimedia Đọc Báo in

Môi trường Tây Nguyên và âm nhạc đương đại

09:37, 26/06/2017

Rừng mất, sông suối khô cạn và những hệ lụy từ đó gây ra khiến đời sống xã hội xáo trộn không những được giới truyền thông, các nhà nghiên cứu khoa học, quản lý đề cập và phản ánh mà văn chương - nghệ thuật, trong đó có âm nhạc quan tâm ngày càng nhiều hơn đến đề tài này.

Sự biến đổi theo hướng tiêu cực của môi trường, sinh thái hiện hữu đôi lúc đã dấy lên cảm xúc mãnh liệt giúp các nhạc sỹ viết nên những ca khúc thành danh.

Có thể nói, điều đó dễ nhận thấy trên mảnh đất Tây Nguyên này. Nhạc sỹ Y Phôn KSor tâm sự: “Ngổn ngang buồn” là sáng tác từ chuyến đi thực tế ở huyện Ea Súp (Đắk Lắk). Ở đây anh đã thấy những cánh rừng bị đốn hạ ngổn ngang và xác xơ khiến tâm hồn người nghệ sỹ này trào dâng nỗi niềm trắc ẩn: “Rừng đã hết, rừng đã héo/Còn ai nào hay. Rừng không mang oan, rừng tan hoang/ Rừng ngổn ngang cong lại lụi tàn/ Rừng là trái tim không mang hận, oán thù…”. Ca khúc như một dòng tự sự, được Y Phôn viết trên nhịp chậm rãi 4/4 và cứ thế thăng dần lên cao trào như tiếng thét gào và khát vọng trả lại màu xanh cho rừng theo đúng nghĩa “trái tim”.

Ca sĩ Y Zắc  (bìa trái) và nhạc sĩ Lê Minh Sơn thể hiện ca khúc “Voi không đuôi” trong đêm giới thiệu đĩa nhạc  “Gió bay về nguồn” tại Buôn Ma Thuột.
Ca sĩ Y Zắc (bìa trái) và nhạc sĩ Lê Minh Sơn thể hiện ca khúc “Voi không đuôi” trong đêm giới thiệu đĩa nhạc “Gió bay về nguồn” tại Buôn Ma Thuột.

Còn Krajan Dick – người nghệ sĩ tài hoa của dân tộc K’ho ở dưới chân núi Lang Bian (Đà Lạt – Lâm Đồng), gần đây đã rất thành công với ca khúc “Gọi gió” được anh viết nên từ thực tế trần trụi, mất mát đến se lòng: “Hỡi gió, chiều nay cuộn về đâu/Để vách đá chỏng chơ trần lưng rêu trụi xác xơ. Lời ru dòng sông theo gió khàn lời/ Để Krông Pa, để Yaly lặng lẽ khát nguồn trông mưa/Đàn nai đi hoang tìm bóng cây Jri ngày xưa bên đồi/Đàn chim bay ngang đỏ mắt đăm đăm soi tìm bóng núi”. Không còn cơn gió,  mây không bay về tạo mưa, để cả một vùng núi rừng khô khát, mong từng giọt mưa đến tưới tắm cho cuộc sống mát lành. Thực tại rừng tan nát, thiên nhiên bị tàn phá tiếp tục được cất lên trong “Gọi gió”: “Mây chặn gió nên mưa chẳng tới/Núi chặn bóng cây chim không về/Bao đời suối hát câu ân tình/Nay bóng rừng về đâu”. Câu hỏi cứ thế lặp đi, lặp lại như điệp khúc  xoáy vào tim người, đánh thức trách nhiệm và lương tri trong việc bảo vệ rừng, giữ gìn môi trường sống cho đồng bào Tây Nguyên.

Không riêng gì các nhạc sĩ người dân tộc thiểu số Tây Nguyên quan tâm đến vấn đề trên, mà nhiều nhạc sĩ khác ở khắp mọi miền đất nước cũng có những ca khúc để lại ấn tượng trong lòng công chúng yêu âm nhạc. Một lần lên Tây Nguyên thăm chơi, thấy rừng trơ trụi, thấy đàn voi bị kẻ ác chặt đuôi…, nhạc sĩ Lê Minh Sơn (Hà Nội) thúc bách viết nên “Voi không đuôi” làm lay động bao người: “Ai mà ác thế, ai mà ác thế/Voi Tây Nguyên không đuôi, voi Tây Nguyên không đuôi/Rừng Tây Nguyên không cây, rừng Tây Nguyên không cây”. Những dòng ca từ ấy cứ day dứt mãi, tựa một lời hỏi tội, dù không danh xưng ai và vì sao lại thế, nhưng vẫn làm người nghe thấu hiểu, phẫn nộ.

Cuộc sống luôn đáng yêu và dĩ nhiên đó là nguồn cảm hứng vô tận cho các loại hình nghệ thuật. Âm nhạc và những người sáng tạo ra nó để phục vụ cho cuộc sống, dù theo chiều hướng nào đi nữa thì trách nhiệm công dân, xã hội của người nghệ sĩ phải được đặt lên hàng đầu. Những nhạc sĩ như Y Phôn, Krajan Dick, Lê Minh Sơn đã ít nhiều làm tròn vai trò ấy bằng “nhật ký âm thanh” về đất và người Tây Nguyên trước bối cảnh đầy biến chuyển hiện nay.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.