Multimedia Đọc Báo in

Niềm khắc khoải với quê hương

07:47, 26/10/2017

Tìm về khúc đồng giao

Con xa quê

Xa miền ký ức vàng ố đũng quần lội bùn non dính đất

Mải miết kiếm tìm những viễn ước mông lung

Đâu biết rằng trái bần trôi đã mấy mùa nước nổi

Đâu biết rằng mưa dầm ủ dột gốc rạ bám chân phèn

 

Mẹ ơi!

Đôi vai gầy cõng nắng cõng mưa cõng lo toan sớm tối

Lẫm chẫm sương rơi trên mái đầu hai màu tuổi phôi pha

Giữa đêm trắng câu thơ chừng muốn khóc

Vần vũ một đời bàng bạc nỗi đa đoan…

 

Trong giấc mơ ngổn ngang oằn nóc nhà phố thị

Đưa gió quê mùa hú tuổi thơ con về triền sông giỡn nắng

Tung tẩy ngọt lành con nước mát reo vui

Quảy gánh hoàng hôn cong vênh chiều giăng lưới

Cánh bèo trôi man mác điệu ru tình...

 

Trong mênh mang sương trắng

Con đã thấy bóng mẹ

Lặng lẽ dắt con về thăm thẳm khúc đồng giao…

 Trần Văn Thiên

Những kỷ niệm về quê hương tuổi thơ, về mẹ, bao giờ cũng để lại trong lòng ta nhiều xúc cảm khó phai nhất. Ai sinh ra và lớn lên mà không có một quê hương để khi đi xa lại mong muốn được trở về.
 
Hình ảnh người mẹ sớm hôm tảo tần, vất vả chăm lo cho từng đứa con khôn lớn nên người, ai mà không nhớ, không thương. Với tác giả Trần Văn Thiên, ta lại thấy có những điều đau đáu, khắc khoải hơn so với những người con xa quê khác: “Con xa quê/ Xa miền ký ức vàng ố đũng quần lội bùn non dính đất/ Mải miết kiếm tìm những viễn ước mông lung/ Đâu biết rằng trái bần trôi đã mấy mùa nước nổi/ Đâu biết rằng mưa dầm ủ dột gốc rạ bám chân phèn”.

Mở đầu bài thơ, tác giả đã nói lên nỗi lòng của người con xa quê bằng một câu thơ ngắn gọn “Con xa quê” song lại hàm chứa biết bao nhiêu nỗi lòng của tác giả trong đấy. Ký ức những lần lội bùn non dính đất, với trái bần, với gốc rạ chân chất nơi miền quê đã khơi lên trong lòng tác giả biết bao nỗi niềm. Điệp ngữ “Đâu biết rằng…” được tác giả sử dụng trong khổ thơ như một nỗi day dứt cũng như là lời thầm nhắc đối với chính tác giả. Dù cho nơi phố thị có nhiều vật chất, xa hoa, nhưng đừng bao giờ quên hình ảnh thân quen của quê hương, vì nơi đó chính là cội nguồn, là “dòng sữa” mát lành nuôi ta khôn lớn.

Trong bài thơ, hình ảnh về người mẹ được tác giả khắc họa khá đậm nét ở khổ thơ thứ hai: “Mẹ ơi!/ Đôi vai gầy cõng nắng cõng mưa cõng lo toan sớm tối/ Lẫm chẫm sương rơi trên mái đầu hai màu tuổi phôi pha/ Giữa đêm trắng câu thơ chừng muốn khóc/ Vần vũ một đời bàng bạc nỗi đa đoan…”. Từ “Mẹ ơi!” vang lên đầy tha thiết, nghe thiêng liêng và trìu mến biết bao. Trong đôi mắt của tác giả, người mẹ hiện lên đầy đức hy sinh. Đi qua bao nhiêu mưa nắng của cuộc đời, mái tóc của mẹ không còn xanh như ngày nào nữa, mà giờ đã “Lẫm chẫm sương rơi trên mái đầu”  và đã trở thành “hai màu tuổi phôi pha”. Cuộc đời của người mẹ luôn trải qua trăm ngàn nỗi đa đoan để đổi lấy sự bình yên cho gia đình; dành tất cả tình thương yêu cho con cái. Tác giả Trần Văn Thiên đã vô cùng tinh tế khi sử dụng những từ ngữ hết sức hiện đại, mới mẻ mà ẩn chứa đầy cảm xúc như: “Cõng nắng, cõng mưa”, “Lẫm chẫm sương rơi trên mái đầu” , “Bàng bạc nỗi đa đoan”…  để miêu tả về hình ảnh người mẹ trong bài thơ.

Những người con tuy xa quê nhưng trái tim vẫn luôn luôn hướng về nơi “Chôn nhau cắt rốn” của mình. Trong những giấc mơ, quê hương vẫn hiện lên là một khoảng trời bình yên nhất mà ta muốn được trở về: “Trong giấc mơ ngổn ngang oằn nóc nhà phố thị/ Đưa gió quê mùa hú tuổi thơ con về triền sông giỡn nắng/ Tung tẩy ngọt lành con nước mát reo vui/ Quảy gánh hoàng hôn cong vênh chiều giăng lưới/ Cánh bèo trôi man mác điệu ru tình...”. Giữa cuộc sống xô bồ nơi phố thị, nỗi nhớ quê hương luôn khắc khoải, đau đáu trong lòng tác giả Trần Văn Thiên. Đó là ký ức quê hương tuổi thơ với những buổi chiều về cùng lũ bạn tắm sông, hòa vào dòng nước mát của sông quê để cảm nhận quê hương như một chiếc nôi thầm lặng nuôi ta lớn. Câu thơ “Cánh bèo trôi man mác điệu ru tình…” mà tác giả đã sử dụng trong khổ thơ này vô cùng ấn tượng, đọc lên nghe da diết vô cùng. Dường như đó là một khúc hát của sông quê, khúc hát của lòng mẹ ru những đứa con khi tuổi còn thơ ấu. Để rồi mai này khi lớn lên, đi xa, ta lại nghe mơn man trong lòng lời ru ngọt ngào ấy.

Trong giấc mơ có cánh cò tuổi thơ, có bóng mát quê nhà, hay có tất cả những gì thân quen nhất thì ảnh của người mẹ vẫn là hình ảnh chủ đạo. Mẹ luôn ở bên cạnh, và nắm tay dắt ta về với khoảng trời tuổi thơ được ngân nga trong những khúc đồng giao kỳ diệu nơi miền quê yêu dấu: “Trong mênh mang sương trắng/ Con đã thấy bóng mẹ/ Lặng lẽ dắt con về thăm thẳm khúc đồng giao…”.

Có thể nói bài thơ “Tìm về khúc đồng giao” của tác giả Trần Văn Thiên là một trong những bài thơ hay về quê hương, tuổi thơ và hình ảnh người mẹ. Bài thơ có cấu tứ hiện đại, từ ngữ sử dụng linh hoạt, mới mẻ đã khắc họa chân thực nỗi lòng, sự khắc khoải trong tâm thức của một người con xa quê.    

Nguyễn Hoài Ân

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.