Multimedia Đọc Báo in

Chân dung người giàu nhất hành tinh

16:36, 29/05/2010

Tạp chí danh tiếng Forbes vừa công bố danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2010. Theo đó, ngôi vương năm nay thuộc về tỷ phú truyền thông Mexico Carlos Slim.

Người giàu nhất thế giới Carlos Slim (Ảnh: T.L)
Người giàu nhất thế giới Carlos Slim (Ảnh: T.L)

Đây là lần đầu tiên trong 16 năm có một người bên ngoài biên giới Mỹ đứng đầu danh sách này của Forbes. Số lượng tỷ phú trong năm 2010 tăng lên mức 1.011 so với mức 793 của năm 2009, con số này dù vậy vẫn thấp hơn con số 1.125 của năm 2008. Tổng tài sản của nhóm 1.011 người này lên mức 3,6 nghìn tỷ USD so với mức 2,4 nghìn tỷ USD của năm 2009. Bản danh sách của Forbes bao gồm tỷ phú từ 55 quốc gia. Mỹ tiếp tục đứng đầu với 403 tỷ phú, năm 2009 là 359. Châu Âu có 248 tỷ phú. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 234 tỷ phú, con số này năm 2009 mới chỉ là 130.
Thiên bẩm kinh doanh
Người giàu nhất thế giới năm 2010, tỷ phú Carlos Slim Helú, có tổng giá trị tài sản lên tới 53,5 tỷ USD. Carlos Slim có máu kinh doanh từ nhỏ. Năm lên 10 tuổi, Slim kiếm tiền bằng bán, trao đổi thỏi kẹo hay gói snack. Đến nay, tập đoàn của ông hoạt động trên nhiều lĩnh vực: siêu thị, mạng di động, khách sạn, nhà hàng, giàn khoan dầu lửa, xây dựng và cả ngân hàng. Năm 15 tuổi, khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, Carlos Slim đã có 5.523 peso và mua được 44 cổ phiếu của ngân hàng Banamex, ngân hàng lớn nhất của Mexico lúc đó. Năm 17 tuổi, khi vừa tốt nghiệp phổ thông, cậu đã có 31.900,26 peso. Cậu tự nhận mình có một cảm nhận rất đặc biệt với những con số và có thể nhớ chúng cực kỳ chính xác. Trong một lần họp đại hội cổ đông, Carlos Slim Helu, khi ấy hãy còn là một anh chàng trẻ tuổi đang sở hữu một số lượng rất nhỏ cổ phần, đã làm mọi người sửng sốt vì thán phục khi nhắc lại vanh vách các số liệu quyết toán một cách chính xác đến tận con số... phần nghìn.
Qua mặt người Mỹ
Hơn một nửa thế kỷ sau đó, ở tuổi 70, Slim đã có trong tay khối tài sản 53,5 tỷ USD, vượt tỷ phú Bill Gates của Mỹ để trở thành người giàu nhất thế giới. Dưới sự lãnh đạo của tỷ phú này, tập đoàn Slim là một “đế chế” kinh doanh trải rộng, từ những chuỗi siêu thị nổi tiếng nhất ở Mexico, mạng di động lớn nhất ở nước này, tới các khách sạn, nhà hàng, giàn khoan dầu lửa, các công ty xây dựng và cả một nhà băng tầm cỡ. Thậm chí có tính toán cho thấy, thật khó ai đó trải qua một ngày ở Mexico mà không “đóng góp” tiền bạc cho Carlos Slim! Bên ngoài biên giới của quốc gia Bắc Mỹ này, Slim còn nắm giữ cổ phần trong những tên tuổi lớn như hãng bán lẻ Saks và tờ báo New York Times nổi tiếng của Mỹ. Tuy nhiên, lĩnh vực hoạt động chính của Slim được xác định khi vào năm 1990, ông cùng một số đối tác mua lại công ty điện thoại quốc doanh Telmex đang trong tình cảnh khốn đốn với giá 1,7 tỷ USD. Sau khi biến Telmex thành một “cỗ máy in tiền”, ông tách ra một công ty có tên America Movil và mạnh tay phát triển công ty này thông qua các vụ mua lại. Hiện nay, America Movil là nhà mạng không dây lớn thứ tư trên thế giới.
Nhiều người chỉ trích rằng, Slim đã xây dựng khối tài sản của ông bằng sự độc quyền, nhưng tỷ phú này có một triết lý khá đơn giản về việc kiếm tiền. “Sự giàu có cũng giống như một vườn cây ăn trái. Với vườn cây đó, việc cần làm là làm nó lớn lên, tái đầu tư để làm nó rộng ra, hoặc mở rộng ra các lĩnh vực khác”, Slim phát biểu năm 2007. Tỷ phú nghiện xì gà này được mệnh danh là “vua Midas”, vì hễ ông mua công ty gặp khó khăn nào thì công ty đó đều trở thành một “cỗ máy in tiền”. Năm 2008, Slim mua một lượng chứng quyền (quyền cho phép người sở hữu nó được mua một lượng cổ phiếu xác định, với một mức giá xác định, trong một thời hạn nhất định) của tập đoàn truyền thông New York Times với giá 250 triệu USD khi giá cổ phiếu của tập đoàn sụt giảm. Tới thời điểm hiện nay, số tiền lãi mà Slim thu về từ thương vụ này đã lên tới 80 triệu USD, đồng thời ông có thể nắm giữ tới 16% cổ phần trong tập đoàn này, dù ông tuyên bố không quan tâm tới việc trở thành một ông trùm truyền thông ở Mỹ. Vào năm 1987, khi giá cổ phiếu ở Mexico lao dốc chóng mặt vì tác động của khủng hoảng, Slim đã nhận thấy cơ hội lớn giữa lúc các nhà đầu tư khác lo sợ. Ông đã tranh thủ gom mua cổ phiếu giá rẻ và bán ra để thu lãi khi thị trường hồi phục.
Tài sản khổng lồ của Slim khiến người ta không thể hình dung ra lối sống tiết kiệm của ông. Người giàu nhất thế giới này đã sống trong một ngôi nhà duy nhất trong suốt 40 năm qua và lái một chiếc Mercedes Benz cũ kỹ, dù đây là một chiếc xe chống đạn và luôn có các vệ sĩ đi kèm. Ông cũng không sở hữu máy bay riêng, du thuyền hay những tài sản xa xỉ khác như giới thượng lưu ở Mexico thường có. Tỷ phú 70 tuổi này đã nhường quyền lãnh đạo công ty thường ngày cho ba con trai của ông và những phụ tá thân cận. Tuy nhiên, khi xuất hiện tại các sự kiện truyền thông, ông vẫn là người đứng đầu của America Movil.
Slim cũng là một tỷ phú tham gia khá tích cực vào cuộc chiến chống đói nghèo, thất học và cải thiện chăm sóc y tế cho người dân ở khu vực Mỹ Latin. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ tuyên bố sẽ cống hiến phần lớn tài sản của mình cho hoạt động từ thiện như các tỷ phú Bill Gates hay Warren Buffett. Slim cho rằng, các doanh nhân có thể giúp người khác bằng cách tạo ra việc làm và tài sản bằng con đường đầu tư hơn là “trở thành những ông già Noel”.
Giàu có và nổi tiếng nhưng Carlos Slim không hãnh tiến và khoe khoang, ngược lại, ông sống giản dị quá mức bình thường. Một ngày ông làm việc tới 14 tiếng, lắm khi quên cả ăn. Các nhân viên thuật lại rằng đôi lúc, họ có cảm giác Carlos Slim chỉ sống bằng những điếu xì gà luôn đỏ lửa trên môi.

Theo VnMedia

 


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.