Multimedia Đọc Báo in

Xin đừng vô tư quá!

07:11, 24/06/2018

Trong những chuyến công tác nội tỉnh hoặc sang tỉnh bạn Đắk Nông, tôi thường lựa chọn đi xe buýt thay cho xe máy và đã không ít lần tôi gặp phải các nhân viên nhà xe quá “vô tư, hồn nhiên” đến mức khiến mọi người khó chịu.

Mới đây nhất, trên chuyến xe buýt chất lượng cao từ thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) về TP. Buôn Ma Thuột, tôi và nhiều hành khách khá bất ngờ vì suốt cả chặng đường dài, cậu nhân viên bán vé và bác tài cứ oang oang nói chuyện lô đề. Họ bô bô khen người này số đỏ, người kia bị “sao quả tạ” đè vào người vì chơi lô đề, mặc kệ hành khách trên xe lắc đầu ngao ngán.

Trên chuyến xe buýt khác từ TP. Buôn Ma Thuột đi huyện Krông Bông, gần đến khu vực ngã ba Hòa Bình, bác tài quay qua nói như reo với anh nhân viên bán vé: “Mày nhìn con bé đi xe AB phía trước kìa, “ngon” không?”. Anh nhân viên đáp lời: “Ừ nhỉ, “ngon” vãi. À, tối qua tụi em đi nhậu, thằng T dẫn bồ theo đấy. Thằng đấy bẩn bẩn mà có con bồ “ngon” lắm. Số nó đào hoa thật, yêu chơi bời mà tán được toàn mấy con xinh, làm được bao nhiêu tiền nó đi nhà nghỉ hết”. Có lẽ vì quá mải mê câu chuyện mà họ không để ý, trên xe lúc này ngoài tôi và mấy bác trung niên còn có khá đông nữ sinh THPT trong bộ áo dài trắng thướt tha. Những câu chuyện vô tư, hồn nhiên, không đầu không cuối của “nhà xe” khiến nhiều em nhăn nhó, đưa mắt nhìn nhau. Có em còn buột miệng: “Các anh vô tư nhưng đừng vô tư quá!”.

Xe buýt là phương tiện giao thông công cộng được đông đảo người dân lựa chọn. Ảnh: Hoàng Tuyết
Xe buýt là phương tiện giao thông công cộng được đông đảo người dân lựa chọn. Ảnh: Hoàng Tuyết

Lần khác, đi từ TX.Buôn Hồ về TP. Buôn Ma Thuột, thấy bác tài đang mở mấy bài nhạc chế, có những ca từ không được chuẩn mực và đứng đắn cho lắm, tôi nhẹ nhàng đề nghị: “Anh ơi, trên xe còn các cháu nhỏ, anh có thể bật radio hoặc đổi sang nhạc khác được không?”. Cậu nhân viên bán vé vừa đưa tay tắt nhạc vừa khẽ càm ràm: “Anh này lạ thật. Nhạc hay thế không nghe lại đòi nghe đài”. Xe qua đèo Hà Lan, cậu nhân viên nói to: “Ai đi Cư Bao chuẩn bị ra cửa sau nhé”. Tuy nhiên, do mải gọi điện thoại cho người nhà đến đón nên khi xe dừng, một cụ bà mới lập cập tìm dép, lấy hành lý để xuống xe. Có vẻ khó chịu vì sự chậm trễ ấy, cậu nhân viên luôn mồm hối thúc, còn bác tài cứ liên tục bấm còi.

Còn tháng trước, tôi đi xe buýt từ Ea Súp về Buôn Ma Thuột, vừa qua Khu Du lịch Bản Đôn, đang mải mê ngắm cảnh hai bên đường thì có người vỗ vai từ phía sau, nói như ra lệnh: “Vé”. Tôi ngơ ngác: “Tôi đã mua từ đầu bến rồi mà?”. Lúc này, “người lạ” mới giới thiệu: “Tôi là nhân viên kiểm soát. Đề nghị anh cho kiểm tra vé”. Đợi anh này xuống xe, tôi quay qua hỏi bác tài: “Nhân viên soát vé khi lên xe không cần giới thiệu bản thân gì hết hả anh? Không lẽ ai cũng có quyền kiểm tra hành khách tụi tôi”. Bác tài cười xuề xòa: “Đúng ra là có nhưng họ làm tắt đấy. Đi miết thành quen, chẳng ai thắc mắc gì đâu”.

Đã không ít lần tôi chứng kiến cảnh nhà xe “bỏ rơi” hành khách chỉ vì khách chậm vài bước chân, không kịp chạy đến điểm chờ. Cứ tưởng sự nghiêm túc ấy xuất phát từ tác phong làm việc chuyên nghiệp, đúng giờ, nhưng hóa ra không phải. Bởi lẽ suốt hành trình dài, những chiếc xe ấy liên tục dừng đỗ sai quy định để nhận và trả hàng do khách gửi dọc đường. Chuyện các bác tài vô tư nói bậy, chửi thề, khạc nhổ, vứt xả rác qua cửa xe cũng không hề hiếm gặp.

Xe buýt là phương tiện vận tải hành khách công cộng không thể thiếu trong đời sống hiện nay. Thiết nghĩ, để phục vụ hành khách tốt hơn, ngoài việc đầu tư mua sắm, nâng cấp phương tiện, các công ty, doanh nghiệp, nhà xe cần quan tâm hơn nữa đến công tác bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử cho đội ngũ lái xe, nhân viên của mình.

Thuận An


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.