Multimedia Đọc Báo in

Đừng để cải cách hành chính chỉ là... "phong trào"

08:52, 12/12/2018

Theo chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, nhiều bộ, ngành đã thực hiện cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh để tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ nỗ lực cắt giảm đến thực tế thực thi vẫn đang là câu chuyện dài.

Theo số liệu báo cáo tổng hợp ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh và tình hình ban hành các văn bản liên quan đến kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh vừa được Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ công bố, về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, Bộ Công thương là bộ đi đầu với 402 mặt hàng trên tổng số 702 mặt hàng được cắt giảm, đạt 57,3%; Bộ Thông tin và Truyền thông có 89/146 mặt hàng đã cắt giảm; tiếp đến là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cắt giảm 33 mặt hàng; Bộ Khoa học và Công nghệ cắt giảm 22 mặt hàng trên tổng số 24 mặt hàng; Bộ Xây dựng cắt giảm 39 mặt hàng trên tổng số 70 mặt hàng...

Những số liệu trên cho thấy, bên cạnh nỗ lực của các bộ, ngành, có một thực tế là cộng đồng doanh nghiệp đã từng phải đối mặt với rất nhiều điều kiện kinh doanh chuyên ngành như thế nào. Và một điều đáng nói là những điều kiện ấy không thật sự cần thiết, bởi nay đã cắt giảm nhưng không hề ảnh hưởng đến chuyện quản lý của các cơ quan chức năng.

Cán bộ Chi cục Thuế thị xã Buôn Hồ hướng dẫn người nộp thuế thực hiện kê khai thuế.
Cán bộ Chi cục Thuế thị xã Buôn Hồ hướng dẫn người nộp thuế thực hiện kê khai thuế.

Thực tế là doanh nghiệp đã "hết khổ" với "mớ" điều kiện đó và việc hàng loạt bộ, ngành bãi bỏ điều kiện chuyên ngành đã mang lại tín hiệu tích cực đối với cộng đồng doanh nghiệp. Thế nhưng đó là ở cấp vĩ mô, một yếu tố khác quyết định sự thành - bại của chính sách là ở cấp thực thi.

Chỉ nói riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, trong các cuộc đối thoại do UBND tỉnh hay các ngành tổ chức, rất nhiều doanh nghiệp "kêu" vì tình trạng chậm trễ của các sở, ngành, địa phương khi giải quyết các thủ tục đầu tư do "vướng đủ thứ” nên không thể có được Giấy phép đầu tư. Điều đó kéo theo một thực tế đáng buồn là có rất nhiều dự án lớn, có tiềm năng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đã không thành hiện thực do nhà đầu tư phải "bỏ của chạy lấy người" vì thủ tục kéo dài, cơ hội kinh doanh không còn phù hợp. Chưa kể doanh nghiệp còn phải “đau đầu” với các cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành bất chấp những quy định của Chính phủ về số lần thanh, kiểm tra trong một năm.

Có người ví von “không thể có cách mạng 4.0 với cán bộ 1.0”. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của cấp thực thi đối với mỗi quy định, chính sách. Thời gian qua, tỉnh đã rất nỗ lực trong công tác cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để thu hút đầu tư. Hy vọng rằng trong thời gian tới, nỗ lực ấy sẽ “kéo” các ngành, địa phương cùng vào cuộc để cải cách hành chính không chỉ dừng lại ở "phong trào" mà phải trở thành hành động thực tiễn.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.