Multimedia Đọc Báo in

5 câu hỏi "chìa khóa" cho phát triển du lịch bền vững

11:07, 24/02/2019

Từ nhiều năm nay, dịp nghỉ Tết Nguyên đán trở thành thời điểm ăn nên làm ra của ngành Du lịch. Các địa phương, doanh nghiệp, công ty lữ hành đã thực hiện nhiều chiến lược trong đầu tư, quảng bá để hấp dẫn du khách. Nhưng có một thực tế là những nỗ lực dù lớn, đôi khi thành quả lại nhanh chóng sụp đổ, không thể một sớm một chiều mà gây dựng lại được chỉ vì một hành vi, hiện tượng có thể chỉ mang tính cá biệt như "chặt chém" du khách. Câu chuyện xảy ra mới đây về một nhà hàng ở thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) bán có một đĩa rau mà lấy của khách hàng tới 500.000 đồng là một minh chứng. Làm du lịch kiểu “ăn xổi ở thì” ấy đã gây tai hại không nhỏ không chỉ cho doanh nghiệp, địa phương mà lớn hơn là làm xấu bộ mặt du lịch và hình ảnh, con người, đất nước Việt Nam.

Khu du lịch sinh thái Bản Đôn – Ánh Dương được đầu tư nâng cấp đang thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan
Khu du lịch sinh thái Bản Đôn – Ánh Dương được đầu tư nâng cấp đang thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. (Ảnh minh họa)

Trăn trở với vấn đề phát triển du lịch bền vững, tại Hội nghị Phát triển du lịch miền Trung – Tây Nguyên được tổ chức tại TP. Huế ngày 16-2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra cho ngành Du lịch 5 câu hỏi: Thứ nhất, làm thế nào để du khách tìm đến Việt Nam đông hơn. Thứ hai, làm thế nào du khách ở lại lâu hơn thay vì đòi đi sớm hơn. Thứ ba, làm thế nào để du khách tiêu tiền nhiều hơn thay vì không có gì để chi tiêu. “Chủ tịch, Bí thư phải ngồi ở sân bay, bến xe quan sát khi người khách đến tỉnh của mình mua cái gì, sắm cái gì”, Thủ tướng gợi ý. Thứ tư, làm thế nào để khách kể lại câu chuyện du lịch thú vị với người thân, với bạn bè một cách đầy hứng khởi, thay vì chê bai, kể một cái xấu gì đó ở Việt Nam. Thứ năm, làm thế nào du khách quay trở lại sớm nhất có thể chứ không phải một đi không trở lại.

Thủ tướng cho rằng, nhìn tổng thể, những năm qua, ngành Du lịch đã trả lời được một số câu hỏi trên, như tỷ lệ khách đến Việt Nam đông hơn, thời gian lưu trú có cải thiện hơn, du khách chi tiêu nhiều hơn, những câu chuyện hay về Việt Nam bắt đầu được kể đến… Tuy nhiên, nhìn từ thực tế cho thấy các câu trả lời vẫn chưa thực sự xuất sắc và ngành Du lịch Việt Nam nói chung, khu vực miền Trung – Tây Nguyên còn nhiều việc phải làm.

Và việc phải làm đầu tiên mà Thủ tướng nhắc tới là giữ môi trường sạch sẽ, bảo đảm trật tự, an toàn, thái độ thân thiện, vui vẻ, luôn nở nụ cười trên môi khi chào đón và phục vụ du khách. Tiếp đến, các địa phương, cần rà soát, phân tích lại xem tài nguyên du lịch của chúng ta hiện đã khai thác, sử dụng thực sự hiệu quả chưa, được trao đúng "thợ kim hoàn" đủ năng lực và tiềm lực chưa. Đi liền với đó, cần thống kê, phân loại, xếp hạng và tổ chức các hoạt động khai thác, phân bổ, sử dụng các tài nguyên du lịch. Cần kiên quyết thu hồi các tài nguyên du lịch đã giao nhưng chủ đầu tư không đầu tư, không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả, làm hư hại, xuống cấp tài nguyên. Và đặc biệt, không có cách nào quảng bá hiệu quả hơn việc xây dựng hình ảnh: Mỗi người dân Việt Nam là một đại sứ du lịch.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.