Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo món bánh Ayơh của người Bru-Vân Kiều

08:51, 06/10/2019

Theo phong tục của người dân tộc Bru-Vân Kiều ở xã Ea Hiu (huyện Krông Pắc), trong mâm cúng tổ tiên mỗi dịp cưới hỏi không thể thiếu món bánh Ayơh. Bánh tượng trưng cho tấm lòng trong trắng của người Bru-Vân Kiều với mong muốn sẽ đem lại nhiều ân lộc, may mắn cho gia đình gia chủ.

Để làm được món bánh Ayơh dẻo thơm, nguyên liệu gồm có gạo nếp, mè đen và muối. Nếp phải là loại ngon, do người Bru-Vân Kiều ở đây trồng được hoặc gửi từ Quảng Trị vào. Nếp trước khi đưa vào nấu được đãi sạch, ngâm qua một đêm rồi đem đi đồ. Mè đen trộn với một ít muối rồi cho lên bếp than rang đều, giữ lửa vừa, đến khi nào mè tỏa mùi thơm phức thì ngừng rang. Sau khi xôi chín được cho vào cối giã cùng với mè đen. Để bánh dẻo, mịn, khi giã phải đều tay, đến khi xôi và mè hòa chung thành một màu đen sẫm thật nhuyễn. Sau đó, lấy bánh ra dùng tay phết đều lên mâm (nhôm, đồng) đến khi nào bánh được vun đều, tròn đầy thì thôi.

Công đoạn giã làm bánh phải nhanh đều tay để bánh mềm, mịn và nhuyễn.
Công đoạn giã làm bánh phải nhanh đều tay để bánh mềm, mịn và nhuyễn.
 

Không cầu kỳ, màu mè, nguyên liệu dân dã cùng cách làm đơn giản nhưng món bánh Ayơh vẫn có nét đặc trưng, hấp dẫn và độc đáo riêng, thể hiện nét văn hóa của người Bru-Vân Kiều".

 
Chị Niang Bích, cán bộ Văn hóa - Xã hội xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc

Chị Hiếu Aduan, người có "thâm niên" làm bánh Ayơh ở đây chia sẻ: “Từ khi chưa lấy chồng tôi đã được bố mẹ dạy là con gái của người Bru-Vân Kiều phải biết làm tất cả các loại bánh truyền thống, trong đó có Ayơh. Vì vậy, cứ mỗi dịp lễ, Tết, hay nhà nào có đám cưới là tôi đều đến để giúp làm bánh. Mong sao chị em Bru-Vân Kiều luôn khéo tay làm bánh Ayơh để duy trì và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình”.

Theo chị Hiếu Aduan, bánh Ayơh trong đám cưới phải làm theo số chẵn, thường là 6-8-10 cái, thể hiện tình cảm đôi lứa. Bánh ngon khi vừa mới làm xong, chỉ cần vót một con dao tre nhỏ, cắt từng miếng bánh ra, có thể ăn kèm thịt nướng và rau rừng. Mùi vị của bánh Ayơh có hương thơm dịu nhẹ của mùi nếp nương như mối tình tinh khôi, mộc mạc của đôi trai gái. Bánh có sự dẻo dai như lời cầu mong của “mẹ lúa” đến sự gắn kết thủy chung, keo sơn đến “đầu bạc răng long” cho đôi nam nữ...

Bánh được phết đều lên mâm cho đến khi vun cao tròn tựa như vầng trăng.
Bánh được phết đều lên mâm cho đến khi vun cao tròn tựa như vầng trăng.

Ngày trước, người Bru-Vân Kiều ở xã Ea Hiu quan niệm, bánh Ayơh là của lễ thiêng liêng, chỉ thần linh mới được hưởng thụ. Nhưng dần dà, họ sử dụng bánh Ayơh thường xuyên hơn trong các lễ cưới. Theo phong tục của người dân tộc Bru-Vân Kiều ở đây, trong ngày cưới, nhà gái phải gùi bánh Ayơh và xấn (váy) qua nhà trai để làm lễ tiễn con gái về nhà chồng. “Bất kỳ một đám cưới nào của người Bru-Vân Kiều không thể thiếu bánh Ayơh, phải có bánh này thì mới được phép tổ chức các lễ tiếp theo”, ông Pa Kơr - một người Bru-Vân Kiều ở buôn Mò Ó, xã Ea Hiu cho biết.

Thúy An


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.