Multimedia Đọc Báo in

Bồi đắp truyền thống cách mạng cho chiến sĩ trẻ

16:31, 27/10/2017

Trong một chuyến công tác tại Tiểu đoàn 303 (Trung đoàn Bộ binh 584, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), chúng tôi được nghe chiến sĩ trẻ nơi đây kể những bài học đầu đời quân ngũ khi được giáo dục về truyền thống cách mạng…

Đại úy Vũ Văn Thuấn, Chính trị viên Tiểu đoàn 303 cho biết: “Hằng năm, Tiểu đoàn 303 đón nhận hàng trăm tân binh đến từ nhiều địa phương trong tỉnh về huấn luyện. Sau khi ổn định nơi ăn chốn nghỉ, thời gian đầu các chiến sĩ trẻ tập trung học tập chính trị, được giới thiệu và tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp và đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đặc biệt là quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng vũ trang tỉnh”.

Ngoài ra, đơn vị thường xuyên tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ tham quan Nhà đày Buôn Ma Thuột, Bảo tàng tỉnh, Đình Lạc Giao, xem phim truyền thống, giao lưu văn hóa, văn nghệ… Thông qua hình ảnh, tư liệu, hiện vật cụ thể, tuổi trẻ lực lượng vũ trang tỉnh có thể hình dung về một thời kỳ đấu tranh gian khổ nhưng kiên cường, bất khuất của chiến sĩ cách mạng; những tội ác của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trong thời kỳ đặt ách đô hộ, cai trị đất nước ta. Khi đến tham quan Đình Lạc Giao, chiến sĩ trẻ được tìm hiểu về các giá trị lịch sử từ thuở khai hoang, mở đất đến đấu tranh giành độc lập, góp phần dệt thêu những trang sử hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng.

Các chiến sĩ trẻ thăm Nhà đày Buôn Ma Thuột.
Các chiến sĩ trẻ thăm Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Chiến sĩ Y Kông Êung (trú tại huyện Lắk) cho biết: “Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi được thầy, cô giáo dạy về lịch sử nhưng chỉ nắm một cách sơ sài, chưa rõ lắm. Khi bước vào quân ngũ, qua những buổi giáo dục truyền thống do đơn vị tổ chức cùng với việc được xem những bộ phim tài liệu, tôi và đồng đội hiểu hơn khó khăn, gian khổ, hy sinh của thế hệ cha anh trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, cùng những tấm gương dũng cảm đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc. Đó là sự động viên, khích lệ tôi và đồng đội phấn đấu học tập, rèn luyện tốt”.

Trong thời gian luyện tập trên thao trường, tranh thủ giờ giải lao cán bộ, chỉ huy đơn vị còn thường gần gũi và kể cho chiến sĩ nghe những câu huyện đời thường, cảm động về Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập, tôi luyện Quân đội Nhân dân Việt Nam. Dù chỉ là những câu chuyện vui, giải tỏa tâm lý căng thẳng sau giờ huấn luyện nhưng ai nấy đều cảm thấy thoải mái; thậm chí có những mẩu chuyện nhỏ được chiến sĩ trẻ ghi nhớ rất lâu. Chẳng hạn, câu chuyện kể về đồng chí đưa công văn liên lạc cho Bác khi đến nơi thì đã khuya, đúng lúc Bác đang chuẩn bị ăn bát chè đỗ đen do anh em phục vụ mang lên. Thấy vậy, Bác liền xẻ một nửa và cùng ăn với chiến sĩ liên lạc. Nhưng sau đó đồng chí ấy bị nhắc nhở “Cả ngày Bác có bát chè để bồi dưỡng làm đêm mà cậu lại ăn mất một nửa”. Anh giải thích rằng: “Không ăn lại sợ Bác không vui mà ăn thì biết chắc bị mắng!”.

Sinh hoạt đồng đội ngày cuối tuần ở Tiểu đoàn 303.
Sinh hoạt đồng đội ngày cuối tuần ở Tiểu đoàn 303.

Qua câu chuyện có thể thấy, cả cuộc đời hy sinh vì dân, vì nước, Chủ tịch Hồ Chí minh gần như quên đi những gì thuộc về bản thân. Bác là một Chủ tịch nước nhưng cuộc sống lại vô cùng giản dị và tiết kiệm, Bác không đặt ra một quyền lợi đặc biệt nào cho bản thân mà luôn ân cần quan tâm đến những điều rất nhỏ nhoi, bình dị của mọi người...

Đại úy Vũ Văn Thuấn cho biết: “Giáo dục truyền thống nhằm giúp chiến sĩ trẻ làm quen với môi trường quân đội và hiểu biết khái quát về truyền thống quân đội, đơn vị; giúp chiến sĩ trẻ bồi đắp thêm lòng yêu nước, niềm tự hào về truyền thống dân tộc, thấy rõ vinh dự và trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ quân sự của thanh niên đối với đất nước. Thời gian tới, chúng tôi sẽ thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức và lồng ghép nội dung giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ, chương trình giao lưu văn nghệ, thể thao”.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.