Multimedia Đọc Báo in

Bộ đội giúp buôn làng xóa bỏ cách chăn nuôi lạc hậu

07:27, 17/08/2018
Trước đây, mỗi lần về thăm bà con buôn kết nghĩa là buôn Pốk B (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar), cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Cư M’gar lại day dứt bởi hầu hết người dân vẫn duy trì cách chăn nuôi lạc hậu, thậm chí phó mặc cho tự nhiên, khiến vật nuôi không phát triển được, thường bị dịch bệnh và gây ô nhiễm môi trường.
 
Đầu năm 2017, gia đình chị H’Bă Ayun, hộ nghèo ở buôn Pốk B được Ban CHQS huyện Cư M’gar tặng một con bò sinh sản trị giá 15 triệu đồng. Một thời gian sau, trở lại thăm gia đình chị H’Bă, các cán bộ, chiến sĩ bộ đội phát hiện việc chăn nuôi bò không hiệu quả. Nguyên nhân là do chuồng trại không được dọn dẹp thường xuyên, nền chuồng bò vào mùa mưa ẩm ướt đất lún sâu như lòng chảo cộng với phân bò lâu ngày không được dọn ra ngoài tạo thành sình lầy lội, bò ốm yếu đứng co ro không có chỗ nằm ngủ, mắt lúc nào cũng chảy nước.
 
Tương tự, gia đình bà H’Mui Niê vào giữa năm 2016 được Ban CHQS huyện tặng một cặp dê sinh sản. Để đỡ mất công và đỡ tốn tiền mua vật liệu làm chuồng dê, vợ chồng bà H’Mui đã cải tạo chuồng heo cũ trước đây rồi… thả dê vào nuôi, vì bà nghĩ rằng dê cũng như trâu bò, hễ có chỗ tránh mưa tránh nắng là được. Chăn nuôi không đúng kỹ thuật khiến dê phát triển chậm, không mang lại hiệu quả. 
 
Cán bộ Ban CHQS huyện Cư M’gar hướng dẫn chị H’Bă Ayun cách chăn nuôi bò.
Cán bộ Ban CHQS huyện Cư M’gar hướng dẫn chị H’Bă Ayun cách chăn nuôi bò.
Không chỉ gia đình chị H’Bă hay bà H’Mui, tại buôn Pốk B còn có hàng chục hộ gia đình khác vẫn duy trì chăn nuôi theo lối cũ, thiếu khoa học, chuồng trại mất vệ sinh, dẫn đến vật nuôi như trâu, bò, dê kém phát triển, môi trường bị ô nhiễm.
 
Trước tình hình đó, với quyết tâm giúp bà con đổi thay cách chăn nuôi một cách khoa học, Ban CHQS huyện Cư M’gar đã trực tiếp cử cán bộ đến từng nhà hướng dẫn người dân cách chăm sóc vật nuôi, thậm chí quyên góp tiền hỗ trợ bà con làm chuồng trại. Như gia đình bà H’Mui Niê được bộ đội hỗ trợ tiền mua tôn, hướng dẫn và giúp làm chuồng nuôi dê cao ráo, chặt cây lát sàn sạch sẽ, nhờ vậy mà dê lớn nhanh, không mắc bệnh tật. Sau gần 2 năm, dê đã sinh sản được 4 lứa, bà H’Mui đã xuất bán 4 con, thu được hơn chục triệu đồng.
 
Cũng nhờ bộ đội tận tình hướng dẫn cách chăm sóc bò, từ con bò giống sinh sản do Ban CHQS huyện Cư M’gar hỗ trợ, chị Lương Thị Huệ đã biết vệ sinh chuồng trại sạch sẽ; con bò giống ban đầu đã sinh sản được vài lứa, mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình. Vợ chồng chị H’Bă Ayun ban đầu không chịu tiếp thu những góp ý của bộ đội nhưng bằng sự khéo léo “vừa nói, vừa làm” để vợ chồng chị tận mắt chứng kiến, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Cư M’gar đã trực tiếp giúp vợ chồng chị tu sửa chuồng bò để thuận tiện cho việc chăm sóc và vệ sinh chuồng trại hằng ngày. Dần dần, vợ chồng chị H’Bă đã “xuôi cái tai và ưng cái bụng”, biết làm theo cách bộ đội hướng dẫn nên bò đã mau lớn hơn, không bị bệnh nữa.
 
Ông Trần Đăng Quế, Bí thư Đảng ủy thị trấn Ea Pốk phấn khởi cho biết: “Nhờ cán bộ Ban CHQS huyện Cư M’gar hướng dẫn tận tình cho bà con cách chăn nuôi khoa học, hợp vệ sinh, ở buôn Pốk B hiện nay đã không còn tình trạng chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm sơ sài, tạm bợ, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và sự phát triển của vật nuôi như trước đây nữa. Nhờ đó mà đàn gia súc ở địa phương phát triển mạnh hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cùng địa phương xóa đói giảm nghèo, chung sức xây dựng nông thôn mới”.
 
Trung Hải
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.