Multimedia Đọc Báo in

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và những ca khúc còn mãi với thời gian…

17:22, 11/09/2011

“Sao vàng phấp phới ánh hồng sáng tươi. Toàn Việt Nam đón chào ngày mới. Hồ Chí Minh dắt toàn dân nước ta; vững bền tranh đấu cho đời chúng ta. Hồ Chí Minh muôn năm giải phóng cho nhân dân. Xây dựng non nước Việt Nam …”, giai điệu, lời ca hùng tráng ấy vang lên nơi nơi trong những ngày lễ trọng đại làm ta nhớ về một thời lịch sử huy hoàng, nhớ về Bác Hồ muôn vàn yêu quí và cũng nhớ về người nhạc sĩ tài hoa dù đã đi xa hơn 20 năm trời rồi nhưng đã để lại cho chúng ta những bài ca bất hủ, trong đó có ca khúc “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”. Đó là giáo sư, viện sĩ, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước - người con của quê hương đất Nam Bộ thành đồng, một gương mặt tiêu biểu của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

 

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sinh ngày 12-9-1921 tại Ô Môn, Cần Thơ. Mới 14 tuổi, ông đã sáng tác thành công nhạc phẩm “Giang sơn gấm vóc” (soạn cho đàn nguyệt). Tròn 20 tuổi, ông lại đặt dấu ấn của mình vào ca khúc “Tiếng gọi thanh niên”. Rồi từ đó, âm nhạc như một thứ vũ khí đấu tranh cách mạng gắn liền với cuộc đời hoạt động của ông, gắn liền với từng mốc lịch sử của dân tộc như các bài: “Xếp bút nghiên”, “Lên đàng”, “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Cả cuộc đời về ta”, “Nông dân vươn mình”, “Bài hát Giải phóng quân”, “Giải phóng miền Nam”, “Tiến về Sài Gòn …”. Hàng chục năm qua, triệu triệu những con tim yêu đất nước, yêu âm nhạc đều biết đến và thuộc các ca khúc trên. Có nhiều ca khúc mang đậm chất sử thi như “Bạch Đằng Giang”, “Ải Chi Lăng”, “Hội nghị Diên Hồng”, rồi “Tiếng gọi Thanh niên”, “Lên đàng”, “Xếp bút nghiên”… đã trở thành những âm hưởng chủ đạo trong không khí của những ngày cả Sài Gòn bước vào cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8-1945 và cả trước, trong và sau những ngày Nam bộ kháng chiến.

Có thể nói, hầu hết các ca khúc của Lưu Hữu Phước đều toát lên lòng tự hào dân tộc và trào dâng hào khí quật khởi của những người con dân đất Việt. Không những vậy, thông qua các tác phẩm âm nhạc, nhạc sĩ đã khẳng định được bản lĩnh vững vàng, nêu lên được tính cách công dân cao cả hết lòng vì Tổ quốc của mình. Chính trên nền tảng tinh thần của một nghệ sĩ, chiến sĩ đó, trong cuộc dấn thân vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, người nhạc sĩ tài hoa này càng ngày càng phát huy được tài năng sáng tạo của mình. Trong từng giai đoạn cao trào cách mạng, như trên đã nói, ông luôn có những bài hát thành công …

Lại nói về ca khúc “Lãnh tụ ca” (Ca ngợi Hồ Chủ tịch). Theo những dòng hồi ức của tác giả, sau Cách mạng Tháng 8-1945, ông trở thành Giám đốc Phòng xuất bản Nam Bộ và tiếp tục sáng tác những hành khúc ngợi ca sự anh dũng kiên cường của người dân Nam Bộ nói chung và những người du kích đất thành đồng nói riêng. Đến tháng 5-1946, ông được điều ra Hà Nội. Tháng 10 năm đó, trong kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa I, ông đã thật sự xúc động khi bất ngờ được gặp Bác Hồ kính yêu. Đặc biệt, khi chứng kiến cảnh Bác Hồ ôm hôn đồng chí Nguyễn Văn Tạo thì sự xúc động đó trào dâng. Về sau, ông tâm sự rằng: “…Khi nhìn Bác Hồ ôm hôn anh Tạo, tôi tưởng chừng như Bác đang ôm hôn tôi, ôm cả ba má, chú bác, bà con xa gần của tôi và toàn dân Nam Bộ. Nước mắt Bác Hồ rơi trên vai anh Tạo, tôi cảm thấy nóng hổi như rơi trên vai tôi. Bỗng tôi sực nhớ ra là chính nước mắt tôi cũng đang chảy ròng ròng trên mặt tôi”. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, người nhạc sĩ đất Nam Bộ cũng về với chiến khu Việt Bắc. Tại đây, ông lại có dịp gặp Bác ở an toàn khu. Được ở gần Bác, càng ngày ông càng nhận thấy được nhiều đức tính cao quí của Bác, càng nghiệm ra rằng, chính Bác là linh hồn của cuộc kháng chiến, là lãnh tụ hết sức vĩ đại của dân tộc. Với ý thức của một công dân, với tài năng của người nhạc sĩ, ông đã thả hồn mình vào từng giai điệu lời ca ngợi ca Người. Năm 1947, bài ca Ca ngợi Hồ Chủ tịch ra đời. Những lời ca: “Tiếng Người tha thiết kêu gọi bốn phương. Cờ vùng lên quân thù gục xuống. Hồ Chí Minh sáng ngời gương đấu tranh. Vững bền đưa chúng ta vượt khó khăn. Hồ Chí Minh muôn năm giải phóng cho nhân dân. Đến ngày chiến thắng vẻ vang…”, không những dựng lên không khí sục sôi của từng thời kỳ, từng giai đoạn của cách mạng Việt Nam mà còn làm bừng sáng lên hình tượng cao cả của người cộng sản vĩ đại, vị lãnh tụ cao quí của Đảng và dân tộc ta.

Thời gian tiếp nối, nhất là sau năm 1965, khi nhạc sĩ Lưu Hữu Phước tình nguyện trở về quê hương miền Nam công tác, cùng với cuộc sống đấu tranh sôi động của nhân dân miền Nam, những hành khúc cách mạng của ông tiếp tục rền vang. Đặc biệt, vào những ngày đầu tháng 9-1969, khi Bác Hồ đi về với cõi vĩnh hằng, lòng yêu quí Bác, nhớ Bác khôn nguôi đã tạo nên động lực giúp ông sáng tác thêm nhiều ca khúc về Bác kính yêu, trong đó có ca khúc “Tình Bác sáng đời ta” thiết tha, trữ tình đến đau đáu. Tuy nhiên, vượt lên tất cả, tác phẩm “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” luôn là tác phẩm ghi đầy dấu ấn và nó đã trở thành lễ nhạc bất tử trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Tháng 6-1989, khi khúc tình ca “Lời ru chim Việt” vừa mới kịp đến với những người yêu âm nhạc thì ông đột ngột đi xa để lại cho đời những tác phẩm âm nhạc bất hủ và những nỗi lòng thương tiếc khôn nguôi. Với những đóng góp to lớn của mình cho sự phát triển âm nhạc và văn hóa của dân tộc, nhạc sĩ đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quí, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về văn hóa-nghệ thuật và tấm Huân chương Độc lập hạng Nhất …

Nguyễn Viết Chính

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.