Multimedia Đọc Báo in

Chân dung tự họa bằng thơ

10:42, 04/05/2016
Nhà thơ trào phúng Tú Mỡ (1900-1976) có tên khai sinh Hồ Trọng Hiếu, quê gốc Quỳnh Lưu, Nghệ An. Khi Tú Mỡ tham gia Tự Lực Văn Đoàn, ông phụ trách mục thơ trào phúng có tên là “Dòng nước ngược” thường đăng tải những bài thơ phê phán quan lại, tệ nạn tham nhũng, tiêu cực trong xã hội.
 
Mục này đa số đăng thơ của Tú Mỡ là chính. Thơ Tú Mỡ dí dỏm mà vẫn sắc sảo, sâu cay. Hồ Trọng Hiếu lấy bút danh Tú Mỡ vì muốn đi theo văn nghiệp của Trần Tế Xương (tức Tú Xương) bằng thể loại thơ trào phúng. Tú Mỡ đã làm thơ phác thảo chân dung của mình ngay từ khi mới làm thơ đả kích – hồi ông còn làm việc ở Sở Pilăng (Sở Tài chính thời Pháp thuộc, 1917-1944):

Ở Sở Pilăng có một thầy

Người cao dong dỏng lại gầy gầy

Mặc thường xoàng xĩnh ưa lành sạch

Ghét kẻ chui luồn, kẻ quắt quay.

Bốn câu thơ trên rất ngắn gọn mà mô tả đủ cả ngoại hình, cách ăn mặc, nghề nghiệp, nơi làm việc của nhà thơ, quan điểm lập trường của nhà thơ. Tóm lại, chất và lượng, bề chìm, bề nổi của nhà thơ đều bộc bạch trong bài thơ trên.

Lại nữa, sau này có một nhà thơ trữ tình là bậc con cháu của Tú Mỡ là nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (sinh 1949 tại Diễn Châu, Nghệ An) cũng đồng hương với cụ Tú Mỡ đã tự họa chân dung mình bằng hai câu thơ:

Vẽ tôi con lợn cầm tinh

Con gà cầm tháng, con tình cầm tay

Nguyễn Trọng Tạo tự giới thiệu năm sinh, tháng sinh của mình, tưởng anh giới thiệu tiếp giờ sinh, ngày sinh cầm tinh con gì nữa thì bất ngờ anh hạ ngay “con tình cầm tay”. Thật bất ngờ mà thú vị vì Nguyễn Trọng Tạo đa tình lắm, yêu nhiều lắm. Anh đa tài nên phải đa tình thôi: vẽ tranh, trình bày sách, làm thơ, nhạc, lĩnh vực nào cũng ẵm được nhiều giải thưởng. Không cầm tinh “con tình” sao viết được “Một khúc sông quê”, Làng quan họ quê tôi?” – những tác phẩm thấm đẫm tình quê, tình đời, tình bạn, tình yêu… Cầm tinh “con tình”, Nguyễn Trọng Tạo mới viết được những câu thơ “tình” đến thế:

“Sông Hương hóa rượu ta đến uống

Ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say”.

Lê Hồng Bảo Uyên (st-bs)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.