Multimedia Đọc Báo in

Hình tượng Tây Nguyên trong tập thơ "Cây bằng lăng trổ hoa"

08:18, 02/12/2018

 (Đọc tập thơ "Cây bằng lăng trổ hoa"của Lê Quý Phóng, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018)

Nhà thơ Lê Quý Phóng, đến tập thơ "Cây bằng lăng trổ hoa" (2018), đã có một gia tài thơ không nhỏ. Với sáu tập thơ xuất bản từ năm 2001 đến nay (gồm cả thơ trào phúng), anh được xem là một trong số không nhiều tác giả Đắk Lắk có lượng đầu sách xuất bản thuộc top đầu. Theo nhà thơ Hữu Chỉnh, thơ Lê Quý Phóng "không gây ấn tượng ở sự đột phá, cách tân mà đôn hậu, mộc mạc như người, như nghề vậy". Từ đó đến nay, nhà thơ Lê Quý Phóng vẫn một giọng điệu hào sảng trong thơ trữ tình; tài hoa về ngôn ngữ trong thơ trào phúng. Điều đó làm cho bạn đọc dễ nhớ đến anh trong thơ lẫn trong đời sống thường nhật.

Đọc tập thơ "Cây bằng lăng trổ hoa", ấn tượng nhất với người đọc có lẽ là cái tình đậm sâu với mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió. Các tác phẩm thơ "Hãy lên với Tây Nguyên", "Sáng thu cao nguyên", "Ngậm ngùi tiếc nuối", "Mưa đầu mùa", "Ngã Sáu tình", "Đêm phố núi"... là nỗi niềm của thi nhân về vùng đất giàu chất sử thi này. Đến Đắk Lắk từ sau ngày nước nhà thống nhất, nhà thơ quê lúa Thái Bình như cánh chim xanh từ đồng bằng bay đến cao nguyên, cất tiếng hót trong mờ sương của núi rừng hùng vĩ, thấu hiểu và tạ ơn nơi đã nuôi dưỡng một phần đời, nhờ đó Lê Quý Phóng giới thiệu về Tây Nguyên để gọi mời du khách bốn phương thật nồng nàn và say đắm: “Em yêu ơi/hãy lên với Tây Nguyên/đừng sợ mùa khô nắng thiêu rát mặt/đừng sợ những dòng sông cạn kiệt/đừng sợ lốc rừng bụi cuốn lá bay...” (Hãy lên với Tây Nguyên).

Đây là một thiên nhiên Tây Nguyên tĩnh lặng, sáng trong qua cái nhìn trìu mến và thương yêu của tác giả về một vùng đất nghĩa tình trọn vẹn. Nơi đó, có biết bao kỷ niệm gắn với cuộc đời nhà thơ từ tuổi thanh xuân. Một giọt nắng, một làn gió thu đưa, một đôi mắt lúng liếng của người em gái..., tất cả bỗng bừng thức, xao động trái tim thơ, dù theo nhà thơ đó là không gian đang "yên ắng vô cùng": “Những giọt nắng vương rơi lả tả/Gió đung đưa nhòa nhạt ánh vàng/Sáng cao nguyên sao tĩnh lặng/Một không gian yên ắng vô cùng” (Sáng thu cao nguyên).

Còn đây là khoảnh khắc Tây Nguyên "chuyển dạ" qua cái nhìn tinh tế của nhà thơ Lê Quý Phóng nên thật ấn tượng và khó quên trong lòng bạn đọc: “Bỗng mây đen vần vũ/thoáng chốc phủ kín trời/một khoảnh khắc giao thời/Tây Nguyên đang chuyển dạ” (Mưa đầu mùa).

Trên mảnh đất Tây Nguyên đâu chỉ có thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, bát ngát mà có cả nỗi đau của con người giữa cuộc sống nhiều tai ương và nỗi lo cơm áo hằng ngày. Về Mang Yang (tỉnh Gia Lai) làm thiện nguyện ở một làng phong trong cơn mưa rừng xối xả, tác giả xúc động một cách chân thành nên lời thơ cũng nghẹn lại trong xa xót: “Trường Sơn ơi/sao mà xa vời vợi?/nước lũ tràn về/sông suối ngập mênh mang/chúng tôi đứng đây day dứt tâm can/nhìn nước chảy mà lòng đau nhói” (Ngậm ngùi tiếc nuối).

Viết về Ngã Sáu Ban Mê - một biểu tượng của thành phố Buôn Ma Thuột - tác giả có những cảm xúc thật dào dạt, tuy không quá độc đáo nhưng đó là tấm lòng chân thành của một thi nhân sống gần trọn cuộc đời với quê hương Đắk Lắk, cống hiến cả tuổi thanh xuân cho vùng đất này: “Nắng sớm cao nguyên tỏa ánh hồng/Ban Mê rực rỡ phố phường đông/Người xe hối hả đi muôn ngả/Đắm say tình... Ngã Sáu mênh mông” (Ngã Sáu tình).

 Có thể nói, tình yêu tha thiết với mảnh đất Tây Nguyên và những vùng quê yêu dấu khác của đất nước là âm hưởng chủ đạo trong tập "Cây bằng lăng trổ hoa". Thơ Lê Quý Phóng bình dị và mộc mạc trong ngôn từ và cách biểu đạt. Chính cách viết theo tư duy tuyến tính ấy nên thơ anh dễ đi vào trái tim bạn hữu đồng trang lứa. Khi tuổi càng ngả về chiều, người ta thường chiêm nghiệm và lắng sâu trong ý tưởng nhiều hơn là sự biểu đạt ở hình thức câu chữ. Có lẽ vậy chăng mà thơ Lê Quý Phóng phần lớn hợp với tạng những người yêu thơ truyền thống, gần với ca dao và các thể văn vần dân gian của người bình dân hay sáng tác. Dù đôi khi còn có những chỗ chưa thật sự làm thỏa mãn hết nhu cầu bạn đọc; song với tập thơ này, tác giả cũng đã góp một tiếng lòng thật dễ thương, nhẹ nhàng và tha thiết về mảnh đất Tây Nguyên mến yêu và chan chứa ân tình.

Lê Thành Văn


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.