Multimedia Đọc Báo in

Một công trình phê bình - biên khảo hấp dẫn và lý thú

09:56, 17/08/2019

(Đọc “Giải mã kho báu văn chương” của Vũ Bình Lục, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018)

Nhà thơ, nhà giáo và nhà phê bình văn học Vũ Bình Lục từng dạy học ở huyện Krông Pắc, là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Đắk Lắk. Sau khi nghỉ hưu, ông cùng gia đình về sống ở Hà Nội. Trong vòng mười năm trở lại đây, Vũ Bình Lục liên tục cho xuất bản nhiều tác phẩm nghiên cứu văn chương có giá trị. Ngoài các cuốn “Hồn thiền trong thơ Lý – Trần” (2013), “Thánh thơ Cao Bá Quát” (2014), “Hồng Hạc cõi trời Nam” (2015)..., bộ sách “Giải mã kho báu văn chương” gồm 5 tập với 2.800 trang in là một tác phẩm đồ sộ về dung lượng, sâu sắc về chất lượng, có thể làm tư liệu nghiên cứu cho người quan tâm đến văn học giai đoạn Lý – Trần.

Về nội dung cơ bản, bộ sách “Giải mã kho báu văn chương” của Vũ Bình Lục tập trung nghiên cứu toàn bộ thơ ca chữ Hán của các triều đại: Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ (trong đó chủ yếu là hai triều đại nhà Lý và nhà Trần). Trên cơ sở sưu tầm thi liệu, dịch thơ, bình giải từng áng thơ ca đặc sắc, tác giả cũng mở rộng bình xét các giá trị tư tưởng thời đại mà tác phẩm phản ánh thông qua hoàn cảnh lịch sử ra đời cụ thể.

Các nhà thơ tiêu biểu thời Lý như Đỗ Pháp Thuận, Ngô Chân Lưu, Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn, Lý Thái Tông, Mai Trực - Viên Chiếu, Tăng Mãn Giác... được tác giả chọn tuyển và bình giải khá tường tận. Thơ ca thời Lý, nội dung chủ yếu là thuyết giải chân lý cao diệu của Phật pháp, đề tài thế sự không được đề cập nhiều. Đến thơ ca thời đại nhà Trần, nội dung yêu nước và chống giặc ngoại xâm lại nổi lên tiêu biểu hơn cả. Ba lần kháng chiến chống quân Nguyên - Mông, thế lực Chiêm Thành từ phương nam và các bộ tộc Ai Lao từ phía tây kéo đến đã góp phần làm nên hào khí Đông A vang dội một thời.

Thơ ca thời đại nhà Trần rất đa dạng và phong phú nên được Vũ Bình Lục  tuyển chọn và bình giải nhiều hơn về số lượng tác giả, tác phẩm: Trần Thái Tông, Trần Tung - Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Thánh Tông, Trần Quang Khải, Trần Thân Tông, Trần Đạo Tái, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Sĩ Cố, Phạm Ngũ Lão, Phạm Sư Mạnh, Chu Văn An... Trong đó, có tác giả được Vũ Bình Lục tuyển chọn và bình giải đến hơn mười bài thơ như Trần Tung, Trần Nhân Tông, Chu Văn An, Phạm Sư Mạnh, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh...

 Với khoảng hơn 550 bài thơ, trải dài qua sáu triều đại mà chủ yếu là nhà Lý và nhà Trần, đặc biệt là khoảng thời gian lịch sử kéo dài đến gần năm thế kỷ, tác giả Vũ Bình Lục đã dày công sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch, đối chiếu và cộng kết từ nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau mới có thể cho ra đời bộ sách đồ sộ và giàu tâm huyết của mình.

Qua tác phẩm này, Vũ Bình Lục không những làm rung động trái tim độc giả từ các áng thơ đặc sắc mà còn khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào về truyền thống văn hóa, văn học của cha ông. Đó cũng chính là điều mà tác giả tâm niệm khi bắt tay làm bộ sách quý giá này: “Chúng tôi là kẻ hậu sinh, vô cùng ngưỡng mộ trước di sản vô giá của cha ông, muốn góp đôi chút sức lực nhỏ bé của mình vào việc bảo tồn, tôn vinh và truyền lưu di sản thơ ca quý báu của cha ông ta để lại, trên tinh thần kế thừa các công trình nghiên cứu, biên khảo của các bậc tiền bối từ nhiều năm qua”.

Bộ sách “Giải mã kho báu văn chương” của Vũ Bình Lục thật sự là công trình phê bình - biên khảo hấp dẫn và lý thú với nhiều đối tượng độc giả, nhất là các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên trong nhà trường phổ thông và đại học.

Lê Thành Văn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.