Multimedia Đọc Báo in

Nơi có Bác một thời dạy học

14:05, 25/11/2019

Cây khế trường Dục Thanh

Con về thăm nơi Bác dạy học xưa

Cây khế ấy vẫn còn trong trường cũ

Bao nhiêu tuổi đã thành cổ thụ?

Con ôm choàng nước mắt chảy quanh mi.

 

Khi Bác rời Phan Thiết ra đi

Lấy tên là Ba tìm đường cứu nước

Trường Dục Thanh ngả bóng dài tiễn bước

Như muốn đưa theo tận bến Nhà Rồng.

 

Cây khế buồn rụng lá tháng ngày trông

Nhớ bàn tay Người sớm chiều chăm bón

Có những lúc trời chói chang nắng hạn

Thầy giáo thương, xô nước sóng bên thềm.

 

Không phụ công người, cây khế lớn lên

Trái xanh bỗng mang lòng chua mất nước

Trái chín vàng đau màu da dân tộc

Chim nhớ Người về gọi mãi không thôi.

 

Khu di tích trường giờ đã trùng tu

Cây khế xanh hoài tình thương nhà giáo

Noi gương Bác Hồ, cháu con hiếu thảo

Chăm bón vườn cây làm đẹp xóm làng.

Phan Thiết, 1983

  Nguyễn Văn Thanh

Trường Dục Thanh, nơi Bác Hồ từng dạy học, đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều thế hệ văn nghệ sĩ. Trong số ấy, bài thơ “Cây khế trường Dục Thanh” của tác giả Nguyễn Văn Thanh khá ấn tượng, gợi được cảm xúc sâu lắng trong lòng bạn đọc suốt mấy chục năm qua. Bài thơ là tiếng lòng tri ân, tưởng nhớ của tác giả về Bác Hồ kính yêu đối với sự nghiệp "trồng người" cao cả. Tình cảm sáng trong, ấm nồng và thiêng liêng ấy mãi mãi là bài học nhắc nhớ cho các thế hệ mai sau hướng về nguồn cội để sống xứng đáng hơn với cha ông đi trước.

Cảm xúc bao trùm bài thơ “Cây khế trường Dục Thanh” xoay quanh hình tượng cây khế. Tương truyền cây khế giờ đây tỏa bóng mát rượi ở ngôi trường Dục Thanh là do chính bàn tay thầy giáo Nguyễn Tất Thành (tên Bác Hồ khi đi dạy học) trồng và chăm sóc. Thăm ngôi trường lịch sử, nhìn cây khế giờ đã thành cổ thụ, một nỗi xúc động nghẹn ngào dâng lên trong tâm hồn tác giả:

Con về thăm nơi Bác dạy học xưa

Cây khế ấy vẫn còn trong trường cũ

Bao nhiêu tuổi đã thành cổ thụ?

Con ôm choàng nước mắt chảy quanh mi.

Từ hình tượng cây khế, tác giả Nguyễn Văn Thanh hoài cảm về hình ảnh người thầy Nguyễn Tất Thành ngày rời xa mái trường kỷ niệm để dấn thân đi tìm con đường cứu nước. Các hình ảnh thơ thật thiêng liêng khi tác giả hình dung mái trường Dục Thanh, có lẽ có cả cây khế như cũng ngả bóng theo Người làm một cuộc tiễn đưa vô cùng cảm động. Cuộc chia tay lớn lao ấy mãi mãi khắc ghi vào lịch sử dân tộc, tô đậm thêm tấm lòng yêu nước vĩ đại của Người:

Khi Bác rời Phan Thiết ra đi

Lấy tên là Ba tìm đường cứu nước

Trường Dục Thanh ngả bóng dài tiễn bước

Như muốn đưa theo tận bến Nhà Rồng.

Mạch cảm xúc của bài thơ ở hai khổ thơ tiếp theo vẫn xoay quanh hình tượng cây khế ở trường Dục Thanh nơi Bác Hồ dạy học. Có điều, cây khế giờ đây như một nhân vật trữ tình đặc biệt. Cây khế cũng biết “buồn rụng lá” khi thiếu vắng sự chăm sóc của Người. Cây khế được nhân hóa sâu sắc hơn lúc “nhớ bàn tay Người sớm hôm chăm bón” và cũng không quên công ơn Người nên “mang lòng chua mất nước”, “đau màu da dân tộc”. Giàu hình tượng hơn, chim muông nhớ Bác bay về tụ đàn trên ngàn lá hót mãi không thôi. Biện pháp tu từ nhân hóa sử dụng ở đây thật hiệu quả đã làm cho hình tượng cây khế trường Dục Thanh biết đồng cảm với tấm lòng yêu nước, thương dân của thầy giáo Nguyễn Tất Thành:

Không phụ công người, cây khế lớn lên

Trái xanh bỗng mang lòng chua mất nước

Trái chín vàng đau màu da dân tộc

Chim nhớ Người về gọi mãi không thôi

Bài thơ khép lại bằng điểm nhìn của thời gian hiện tại để chiêm cảm, thấu suốt và suy tư về tấm gương thương nước, thương dân của thầy giáo Nguyễn Tất Thành vĩ đại. Hình tượng cây khế và mái trường Dục Thanh như một chứng nhân lịch sử, một bảo tàng sống cho con cháu bây giờ và mãi mãi. Tính tư tưởng và bài học giáo dục về lòng tôn sư trọng đạo, tình cảm yêu nước thương nòi cũng khơi nguồn lấp lánh từ đây:

Khu di tích trường giờ đã trùng tu

Cây khế xanh hoài tình thương nhà giáo

Noi gương Bác Hồ cháu con hiếu thảo

Chăm bón vườn cây làm đẹp xóm làng.

“Cây khế trường Dục Thanh” là bài thơ giản dị, được viết bằng tấm lòng thương yêu và tôn kính Bác Hồ vô hạn của tác giả. Cảm xúc chân thành, hình tượng thơ trong sáng, nhất là cấu trúc tác phẩm xoay quanh một tứ thơ khá gần gũi và được lưu truyền sâu rộng, tác giả Nguyễn Văn Thanh đã khơi gợi ở người đọc tình cảm biết ơn công lao giáo dục và khai sáng của Bác đối với thế hệ học trò trong giai đoạn nước nhà nô lệ. Điều đặc biệt, qua bài thơ này, tấm lòng yêu nước của Bác càng thêm tỏa sáng khi Người biết “tìm đường đi cho dân tộc theo đi” trên hành trình tương lai phía trước.

Lê Thành Văn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.