Multimedia Đọc Báo in

Tuổi thơ hồn nhiên trong "Đường em đến lớp"

07:55, 30/05/2020

Sau 6 tập thơ viết cho thiếu nhi được xuất bản: “Cầm sợ gió trên tay” (1993), “Lửa trời nhóm bếp” (1994), “Còng con tìm mẹ” (1995), “Gọi trăng” (2000), “Hương tuổi thơ” (2007), “Bốn mùa cho bé yêu” (2010), nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng đã cho ra đời tập thơ thứ bảy “Đường em đến lớp” (2018). Tập thơ gồm 58 bài thơ với nhiều nội dung phong phú và nghệ thuật thơ mang đậm phong cách riêng của tác giả.

Trong tập thơ “Đường em đến lớp”, độc giả bắt gặp nhiều hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp, ngộ nghĩnh được nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng viết bằng sự xúc động qua cái nhìn tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng: bông hoa, cánh bướm, hạt sương, tiếng chim, dòng sông, mặt biển, cánh đồng, quả na, quả ổi, cơn mưa, hạt nắng… Tất cả đều hiện lên lung linh, tươi thắm sắc màu. Qua hạt mầm bé nhỏ trong buổi sớm tinh khôi, nhà thơ đã khơi gợi cho các em niềm khát vọng sống, khát vọng vươn lên trong cuộc đời với nét ngộ nghĩnh thật đáng yêu: “Ơ bông hoa đẹp/ Kìa cánh bướm xinh/ Mầm rướn cổ nhìn/ Cao hơn… một chút” (Mầm xanh). Thiên nhiên trong “Đường em đến lớp” là cả thế giới của tuổi thơ êm đẹp nên bao giờ cũng sống động và gần gũi với tâm hồn các bạn nhỏ.

Bên cạnh tình cảm thương yêu giữa những người thân trong gia đình, người với người trong cuộc sống, “Đường em đến lớp” có một số bài thơ nhắc nhớ các bạn nhỏ về đạo đức làm người, những bài học về lòng biết ơn, sự sẻ chia trong cuộc sống… Tất cả điều đó hết sức quý giá và có ý nghĩa bồi đắp tâm hồn rất sâu sắc. Đây là bài học về đạo đức làm người, sống phải biết nguồn cội thông qua một trò chơi thả diều quen thuộc: “Cánh diều như thể tuổi thơ/ Muốn bay cao phải nương nhờ sợi dây/ Con dù lên chín tầng mây/ Công cha - nghĩa mẹ - ơn thầy không quên” (Sợi dây diều). Ngoài ra, “Đường em đến lớp” có một số bài thơ ca ngợi, khen yêu các bé có những hành động và việc làm tốt. Bài thơ “Vẽ chữ” là sự động viên khích lệ các bạn nhỏ chăm chỉ học hành. Vẽ chữ trên mặt giấy trắng tinh chính là làm cho mặt giấy thêm xinh đẹp và đáng yêu vậy: “Coi nè, bé vẽ chữ/ Mặt bé cười đẹp ơi!”. Bài thơ “Hoa tay” cũng là một lời ngợi khen các bé có năng khiếu nghệ thuật, ngoài khả năng học chữ. Qua đó, tác giả khơi gợi cho các em niềm đam mê và yêu thích cái đẹp, bởi vì tài năng về lĩnh vực nào cũng đáng quý, đáng trân trọng: “Viết đẹp vẽ đẹp/ Ðàn hay múa hay/ Hai bàn tay bé/ Có yêu không này/ Cả mười ngón nhé/ Ðủ mười hoa tay” (Hoa tay).

Thơ viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Hưng mang những đặc điểm thơ ngây, trong sáng và được nhìn qua cảm xúc rất hồn nhiên của một thi sĩ nhiều trải nghiệm và giỏi quan sát. Ở “Đường em đến lớp”, ta còn bắt gặp một số giá trị nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân khác của tác giả. Đó là nghệ thuật nhân hóa tài hoa của Nguyễn Ngọc Hưng khi miêu tả thế giới loài vật. Có thể nêu ra một số câu thơ tiêu biểu: “Mít vừa chín tới - gió khoe/ Ướp thơm cả tiếng chích chòe gọi nhau” (Ban mai mùa hạ); “Bỗng nghe sịch cửa/ Cún nhảy xồ ra/Lạnh ghê, á à/ Thì ra bạn… gió!” (Ai khua cửa đó?). Thơ thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Hưng là những dòng cảm xúc được viết ra thật tự nhiên từ ký ức tuổi thơ và sự quan sát trong cuộc sống hằng ngày. Do đó, ta dễ nhận thấy có sự nhuần nhuyễn và hòa quyện một cách duyên dáng trong nghệ thuật lập tứ, tạo dựng thi ảnh, nhịp điệu…, hoàn toàn không có sự dụng công cầu kỳ một cách quá mức. Thơ viết tự nhiên, thậm chí có khi bài thơ đã xong trong đầu rồi sau đó mới lấy bút ghi chép lại. Dường như Nguyễn Ngọc Hưng không làm thơ thiếu nhi mà là chép thơ thiếu nhi từ cuộc sống của chính mình và các em ra giấy vậy.

Lê Thành Văn


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.