Multimedia Đọc Báo in

Bảo tồn voi: Những thách thức từ thực tế

17:03, 25/09/2013

Trước nguy cơ đàn voi nhà bị suy giảm nhanh chóng, chính quyền địa phương cũng như các ngành chức năng trong tỉnh đang nỗ lực triển khai các giải pháp cấp bách để bảo tồn, nhưng xem ra, những “nỗ lực” này đang đối mặt với khá nhiều thách thức…

Cán bộ Trung tâm Bảo tồn voi thăm khám sức khỏe cho voi ở huyện Lak.
Cán bộ Trung tâm Bảo tồn voi thăm khám sức khỏe cho voi ở huyện Lak.

Theo Trung tâm Bảo tồn voi tỉnh, hiện đàn voi nhà của tỉnh chỉ còn 53 con, trong số đó voi từ 15-45 tuổi còn sức khỏe tốt để sinh sản chỉ 43 con (19 con đực và 24 con cái); số còn lại là voi đã lớn tuổi và già yếu. Qua nghiên cứu, đánh giá tình trạng sức khỏe thực tế cho thấy, trong 30 năm trở lại đây khả năng sinh sản của voi nhà là có nhưng tỷ lệ rất thấp, chỉ đạt 0,6%/năm. Những năm gần đây, tỷ lệ này gần như bằng 0 vì môi trường cho việc gặp gỡ và giao phối giữa voi đực và voi cái bị hạn chế do các chủ voi quản lý voi độc lập, ít thả voi cùng nhau mà chỉ tập trung chủ yếu cho khai thác du lịch. Ngoài ra, yếu tố “tình cảm”  cũng có ảnh hưởng nhất định đến khả năng sinh sản của voi. Bởi voi cũng có tình cảm như con người, nó cũng cần có một môi trường thích hợp để  “tìm hiểu” và việc giao phối cũng phải diễn ra trong điều kiện môi trường kín đáo. Chính việc quản lý voi theo hộ cá thể và theo cách của các công ty du lịch đã làm trở ngại cho việc sinh sản của đàn voi nhà. Và với tốc độ voi chết như những năm gần đây thì chỉ mười năm nữa, nguy cơ đàn voi nhà ở Dak Lak bị xóa sổ là không tránh khỏi. Bên cạnh đó, voi nhà Dak Lak vốn là voi rừng, được săn bắt và thuần dưỡng, về đời sống, tập quán sinh hoạt chúng vẫn giữ nguyên những thói quen hoang dã, nhu cầu về thức ăn trong ngày rất lớn (một con voi mỗi ngày cần khoảng 3 tạ cỏ và hàng trăm lít nước); ngoài ra voi còn có thói quen ăn, uống lai rai liên tục từ 70 đến 80% thời gian trong ngày. Khi về buôn làng, voi phải phục vụ cho nhu cầu du lịch của con người, khẩu phần ăn lại thấp; khi bị mắc bệnh không được chữa trị kịp thời… đây cũng là những nguyên nhân khiến voi nhà suy giảm nhanh chóng trong những năm qua.

Bảo tồn voi ở Dak Lak là bảo tồn cả một huyền thoại về đất và người Tây Nguyên. Trước nguy cơ, đàn voi nhà tuyệt chủng, thì công tác bảo tồn voi càng trở thành vấn đề cấp bách hiện nay. Theo Dự án Cấp bách bảo tồn voi Dak Lak giai đoạn 2013-2020, Dak Lak là địa phương có số lượng voi nhiều nhất trong phạm vi cả nước, đồng thời cũng là nơi có truyền thống săn bắt, thuần dưỡng voi hoang dã thành voi nhà lâu đời. Trong những năm qua, số lượng voi rừng lẫn voi nhà của tỉnh giảm rất nhanh. Đối với voi rừng, năm 1980 có trên 550 con thì hiện nay toàn tỉnh chỉ còn khoảng 5 đàn, với số lượng 60-65 cá thể ; và từ năm 2009 đến nay đã có 17 con voi rừng bị chết. Do nhiều nguyên nhân khác nhau như việc chuyển đổi một diện tích lớn đất rừng sang trồng cây công nghiệp đã làm cho môi trường sống của voi hoang dã bị thu hẹp, chỉ tính riêng từ năm 2005 đến 2012, diện tích rừng tự nhiên của 3 huyện có voi hoang dã sinh sống (Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’leo) đã giảm gần 14.000 ha; nạn con người săn bắn giết hại voi để lấy các sản phẩm có giá trị; tình hình xung đột giữa voi và người ngày càng gia tăng...  Đối với voi nhà, so với năm 1980 là 502 con thì hiện nay chỉ còn 53 con, như vậy trong vòng 32 năm số lượng voi nhà đã tụt giảm tới 90%. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu khu chăn thả; kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng còn lạc hậu, chưa được các chủ voi, cũng như các cấp, ngành quan tâm chăm sóc, kiểm tra sức khỏe bằng kỹ thuật chuyên môn thú y; voi chỉ được chăn giữ và chăm sóc theo kinh nghiệm truyền thống của các chủ voi đã dẫn đến khả năng sinh sản voi nhà rất hạn chế; voi nhà trung bình có tuổi thọ cao đang ngày càng suy giảm về số lượng.

                                                                                                                                                                            Từ thực tiễn trên thấy cần có những biện pháp khẩn cấp và sự ra tay tích cực của các cấp, cần ban hành kịp thời các chính sách hỗ trợ trong chăm sóc, bảo tồn voi; bởi nếu không nguy cơ voi tuyệt chủng là hiện hữu. Năm 2011, Trung tâm Bảo tồn voi tỉnh đã đi vào hoạt động để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe và sinh sản của đàn voi nhà; giám sát voi hoang dã, quy hoạch bảo tồn, giám sát và hạn chế mâu thuẫn giữa voi với người, ổn định vùng cư trú sinh sống của voi; giáo dục môi trường và văn hóa truyền thống về voi để từ đó duy trì các giá trị văn hóa truyền thống liên quan đến thuần dưỡng voi, lễ hội voi… Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm cho biết: qua gần 3 năm đi vào hoạt động, công tác bảo tồn voi hiện đang đối mặt với khá nhiều khó khăn, thách thức bởi thực trạng suy giảm nhanh chóng của đàn voi nhà, môi trường sinh sản cho voi khó khăn; voi rừng chịu áp lực của tình trạng phá rừng làm nương rẫy, không gian sinh tồn đang ngày càng bị thu hẹp; nạn săn bắt trái phép để lấy ngà diễn ra ngày một phổ biến đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sự mất còn của đàn voi trong khi kinh phí hạn hẹp; nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn chưa đáp ứng được yêu cầu…  Để bảo tồn và phát triển đàn voi nhà, phải bảo đảm được cho chúng một điều kiện sống tương tự với môi trường hoang dã, cải thiện sức khỏe và chế độ sinh hoạt, ăn uống của voi. Hiện nay, Trung tâm tiếp tục duy trì chế độ khám sức khỏe, chữa bệnh cho voi định kỳ 2 lần/năm, qua đó đã phát hiện và  chữa trị kịp thời cho nhiều cá thể voi bị bệnh. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay vẫn là việc nghiên cứu làm thế nào để voi sinh sản trong môi trường nuôi thả. Còn với voi rừng, để bảo tồn cần sự chung sức của cả cộng đồng trong việc giữ rừng, bảo vệ môi trường hoang dã, bảo đảm môi trường sống an toàn cho voi, tránh những xung đột diễn ra giữa voi với người.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.