Multimedia Đọc Báo in

Cho em màu áo tinh khôi

15:10, 26/12/2013
Trời mới lập đông, sáng qua nghe bản tin thời tiết là đêm nay sẽ có đợt gió mùa đông bắc tràn về, tôi nghĩ bụng, rét đầu mùa chắc cũng chỉ qua loa thôi, vẫn mặc chiếc áo tay lỡ mong manh, thế mà ngay từ chiều, đứng trên lớp tôi đã thấy cái lạnh len lỏi. Trước giờ tan lớp tôi không quên nhắc học trò. Mai có đợt rét đầu mùa, các em nhớ mặc áo ấm. Định đứng lên chào các em để ra về, bé Tiên lớp trưởng đã nhanh nhẹn đứng lên hô các bạn chuẩn bị chào cô ra về thì tôi chợt nhớ ra. Có một việc quan trọng nữa còn phải nhắc các em. Tôi cho học sinh ngồi lại, trời mùa đông nhanh tối. Bên ngoài khung cửa sổ bầu trời màu tro lạnh đang chờ sẵn. Cánh đồng tít tắp trải dài ra tận bãi sông có màu xám chì, sương chiều cũng sắp bủa vây. Lối nhỏ quanh co hướng ra bờ sông có đàn chim sẻ vẫn vô tư nhảy nhót. Ríu ran trò chuyện rồi chúng lại cùng bay vút lên hàng dây điện ngó nghiêng. Lũ trẻ vùng quê nghèo này cũng hồn nhiên vô tư giống như  lũ sẻ đồng vậy. Mới chỉ lớp ba, lớp bốn chúng đã phải giúp đỡ bố mẹ việc đồng áng, cơm nước. Đang mùa trồng cây vụ đông nên tay chúng nứt nẻ. Tôi nhìn lại đôi tay trắng trẻo của mình mà thấy thầm thương lũ trẻ nơi quê nghèo này. Mới về vùng quê này công tác, dù không phải quê hương nhưng dường như tôi đã thấy gắn bó, thân thiết tự lâu. Mỗi khi bước vào lớp, nhìn những đôi mắt trong veo, hồn nhiên tôi lại thấy tin tưởng rất nhiều vào cuộc sống. Chính những ánh mắt ấy đã vô hình tiếp thêm cho tôi sức mạnh. Tôi lại quên đi những buồn phiền vì là giáo viên hợp đồng, hết năm học lại chạy vạy để được ký hợp đồng tiếp. Lắm lúc mệt mỏi muốn buông xuôi giã từ nhưng tôi không thắng nổi khao khát được đứng trên bục giảng. Thế là tôi lại tiếp tục cuộc hành trình khó khăn. Vẫn tiếp tục làm giáo viên hợp đồng bao năm với đồng lương ít ỏi. Tôi đã có nhiều cơ hội để thay đổi mà tôi vẫn không chấp nhận. Chồng tôi vẫn thắc mắc tại sao tôi lại gàn dở như vậy. Điều định nói với học trò tôi đã ngẫm nghĩ từ giờ giải lao trước. Được quán triệt rất kỹ càng rồi, không ai có ý kiến gì. Nhưng tôi biết nói và dặn các em thế nào đây. Nếu truyền đạt nguyên văn là tôi đang dạy các em nói dối. Hàng ngày tôi vẫn dạy các em những điều thật nhất từ trái tim mình mà tôi cho là đúng. Các em vô tư và trong sáng nhường kia. Tại sao phải nói dối. Nhưng đây là mệnh lệnh. Lời cô hiệu phó như vẫn còn vang vẳng bên tai:

 

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

- Các cô giáo chủ nhiệm phải quán triệt và nhắc học sinh lớp mình là khi có người trong đoàn kiểm tra hỏi phải nói là chúng em chỉ mặc đồng phục vào thứ hai đầu tuần và ngày lễ. Hỏi thầy cô có giao bài về nhà không thì nói là không. Cuối tuần các em không phải học thêm buổi nào. Khi kiểm tra khảo sát bạn nào làm được phải cho bạn chép bài… Cô còn dặn đi dặn lại: các giáo viên phải quán triệt nhắc nhở học sinh cho kỹ, để sau đợt khảo sát thăm trường này cùng với thành tích cao của trường đạt được thì may ra mới được sự quan tâm  và đầu tư của cấp trên, chứ dân quê nghèo, không thể có kinh phí đầu tư xây dựng. Cô nói cũng có lý của cô, nhưng nếu cứ quá chạy theo thành tích như hiện nay thì không biết được thực chất kết quả thế nào.

Ôi, những điều rành rành như thế sao bắt các em nói ngược lại được nhỉ? Mà chúng nó vô tư thế dặn rồi có khi cũng quên ngay. Không khéo có khi các em lại bảo cô giáo con dặn phải nói như thế. Mà lớp 3A của tôi luôn là lớp đứng đầu thế nào chả được thầy hiệu trưởng, cô hiệu phó dẫn đoàn kiểm tra tới thăm. Nếu không dặn là tôi không hoàn thành nhiệm vụ. Nếu dặn các em thì chúng sẽ nghĩ thế nào về tôi. Dù có ngây thơ thì những đầu óc non nớt kia cũng đủ nhận ra rằng cô giáo đang dạy chúng phải nói dối. Tôi phân vân, thôi vẫn còn ngày mai, ngày mai tôi sẽ dặn các em. Việc may đồng phục thì lớp  đã hoàn thành. Tan lớp mà trong lòng tôi còn trĩu nặng suy tư. Nhìn chúng thật vô tư, hồn nhiên. Tôi không quên dặn với thêm, nhớ mặc áo ấm nghe các em.

***

Gió lạnh đã thấm đầy trên sân trường. Hàng xà cừ trầm tư trong gió lạnh. Vậy mà mặt cô hiệu phó cứ đỏ phừng phừng. Thầy hiệu trưởng chạy đi chạy lại. Chiều nay triệu tập ngay cuộc họp Ban giám hiệu mở rộng: bao gồm cán bộ chủ chốt nhà trường. Cô hiệu phó sốt sắng: Phải có mặt đầy đủ và đúng giờ. Cái không khí đón đoàn kiểm tra của Bộ cứ sôi sùng sục. Mấy trường bên cạnh mới kiểm tra đã  truyền cho cô kinh nghiệm ứng phó nhưng cô vẫn cứ lo. Làm người chèo chống cũng vất vả lắm chứ. Người  ta chả biết những lúc như thế này cô thấy đến là khổ. Chỉ một sơ suất nhỏ là hỏng hết việc. Mấy trường bên cạnh đã dừng hết việc dạy thêm, chỉ học chính khóa. Có lẽ trường này sẽ là điểm dừng chân cuối cùng của đoàn kiểm tra của Bộ. Thầy hiệu trưởng thì cứ gắt nhặng lên, còn cô hiệu phó thì lo ra mặt. Cô đã chỉ đạo các lớp lao động mấy ngày hôm nay, dọn cỏ từ lối vào trường, mấy chỗ đất bỏ hoang đã được phụ huynh cuốc hết trồng mấy luống hoa và chậu cảnh thì mượn thêm bên Trạm y tế và Ủy ban nhân dân xã.

Bàn ghế trong lớp 3A đã mượn bên hội trường thôn kê thẳng thắn. Các phòng học đều mượn cây cảnh về trang trí. Vài lớp nội quy bị hỏng đã cho thợ sửa. Phòng có cửa sổ bị gió lùa đã được cho chắn lại bằng bạt xanh nhìn xa cứ như cửa sổ sơn xanh thật.

Về giáo viên, ngày mai họp hội đồng cô hiệu phó sẽ quán triệt lại mặc dù cô đã dặn các giáo viên chủ nhiệm rất cẩn thận rồi. Các loại hồ sơ giáo án phải chuẩn bị thật chu đáo. Việc chấm điểm, cô yêu cầu ngay các giáo viên chưa có đủ cơ số điểm ngay chiều nay điện đến và “cấy” vào cho đầy đủ.

Chỉ còn việc đồng phục của học sinh làm cô hiệu phó lo nhất. Không biết các lớp có thống nhất để hoàn thành việc may đồng phục được hay không. Họp phụ huynh cũng có nhiều ý kiến phản đối vì hoàn cảnh khó khăn. Nhưng cô đã quyết định là phải may hai bộ. Đang mải mê suy nghĩ cô hiệu phó chợt giật mình:

-Em thưa cô.

Bé Hoa lớp 3A thập thò ngoài cửa xin cho gặp cô hiệu phó.

-Không thưa gửi gì. Hết giờ rồi về đi. Có gì mai nhé. Thế vẫn chưa có đồng phục à?

-Vâng thưa cô. Em chưa có ạ. Nhưng cô cho em trình bày một lý do.

-Thôi… lại thưa. Em về đi có gì cô sẽ giải quyết sau.

Cô thầm nghĩ: Sao cô Thương chủ nhiệm chưa lo xong việc đồng phục của lớp sao. Định gặp cô Thương để quán triệt việc đồng phục của lớp mà bận quá  chưa xong được. Công việc cứ ngập đầu làm cô phát cáu.

Chuẩn bị chu đáo nhưng đoàn kiểm tra của Bộ chỉ ghé qua trường chứ không thanh tra. Về kiểm tra qua vì đây không phải là điểm đến mà Phòng giáo dục định dẫn về. Sở dĩ vì cơ sở vật chất của nhà trường còn thiếu thốn nhiều quá. Trường vẫn phải học ở hai khu lẻ, phải mượn nhà văn hóa thôn và hợp tác xã nông nghiệp. Mấy lớp ở trung tâm thì phải ngăn bằng cót liếp. Nhưng trường lại nằm ngay bên trục đường và là ngôi trường cũ của một vị trong đoàn kiểm tra của Bộ nên ông ấy nhất quyết muốn vào thăm. Vậy là Trường Tiểu học Quang Minh cũng có cơ hội đón đoàn kiểm tra của Bộ. Đoàn kiểm tra của bộ ghé qua trường đúng vào giờ tập thể dục giữa giờ. Màu áo đồng phục trắng tinh khôi, tất cả các em đều đi dép quai hậu chỉnh tề. Theo tiếng trống thể dục, những động tác đều tăm tắp, những bàn tay nhỏ giơ lên vẫy vẫy đoàn kiểm tra xinh xinh đều đặn. Sau giờ thể dục những đôi môi bắt đầu tím lại vì lạnh. Đáng lẽ hôm nay các em phải mặc áo ấm mùa đông nhưng vì có đoàn kiểm tra nên tất cả các em đều mặc đồng phục trắng theo sự chỉ đạo của nhà trường. Nhưng đồng phục mùa đông thì chưa được may.

Những hàng xà cừ xanh lá, hàng phượng vĩ lăn tăn sóng lá, những chiếc lá xào xạc khẽ run lên trong gió. Cô Thương thấy đôi bàn tay bé Hoa sưng phồng, hai chân vẫn còn lấm lem đất đi đôi dép quai hậu màu hồng còn mới nguyên. Để đón đoàn kiểm tra các em phải có hai bộ quần áo đồng phục mới, phải có dép quai hậu đến trường. Hoa có hoàn cảnh rất khó khăn, chỉ có hai mẹ con và bà nội đã già sống ở xóm bãi ngoài đê. Đi học phải đi bằng thuyền vào trong làng. Vậy là suốt mấy tuần qua hôm nào đi học về lại cùng mẹ chèo thuyền vào trong làng bóc lạc thuê lấy tiền. Để có hai bộ quần áo đồng phục và đôi dép quai hậu kịp thời, bé đã cùng mẹ bóc lạc thuê với đôi tay sưng phồng. Bé Hoa đang run lên vì lạnh. Tôi  đến gần bé, đưa tay nâng nhẹ đôi bàn tay nhỏ gầy xương, đôi mắt bé Hoa tròn đen ngơ ngác, mái tóc vàng hoe cháy nắng.

- Tay em sao vậy Hoa?

 Hoa vô tư kể lại câu chuyện hai mẹ con đi bóc lạc thuê và nhiều hôm phải nghỉ học vì lúc đi thuyền bị ngã và rơi cặp sách. Tôi xót xa hỏi:

- Sao con  không nói với cô từ trước, nếu biết con khó khăn như vậy cô sẽ đề nghị với  nhà trường.

Hoa vô tư nói: - Mẹ con bảo có gì con cứ thưa với cô hiệu phó, cô ấy là bạn mẹ ngày xưa mà, mẹ con bận nên không đến gặp cô ấy được. Cô ấy vẫn nói với mẹ con, cần giúp đỡ gì thì cứ nói một tiếng. Chứ cô cũng khó khăn, cô lại giúp đỡ em nhiều rồi.

Tôi đã không cầm được nước mắt trước mặt những đứa trẻ ngây thơ khi chúng còn đang háo hức nhìn chiếc xe ô tô của đoàn kiểm tra đang từ từ chuyển bánh. Lũ sẻ đồng đang ríu ran trên bãi cỏ thấy chiếc ô tô lao tới vội bay vút lên hàng dây điện ngơ ngác. Tôi thấy chính tôi cũng là người có lỗi trong chuyện này.

Vũ Lệ Ngân Hương


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Lời trách của mẹ
09:25, 07/12/2013
Tình Yêu Bún Đậu
08:11, 26/11/2013
Lối về
10:36, 29/10/2013
Chọn bạn mà chơi
10:00, 27/09/2013
Mùa hạ trong ký ức
09:10, 20/07/2013
(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.